Theo tạp chí Doanh nhân Việt Nam, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính tổ chức chiều 27/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp nhằm kiểm soát tốt dòng tiền, không để xảy ra rủi ro mất an toàn thị trường tài chính.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp , Bộ Tài chính cần có giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Bộ Tài chính cần rà soát khả năng chi trả của doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2024. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Riêng với Nghị định 08/2023 (về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần sớm có báo cáo tới Chính phủ.
“Nghị định 08 với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chỉ còn vài ngày sẽ hết hiệu lực. Tôi đã yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá về nghị định này. Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Chính phủ về việc có tiếp tục kéo dài một số quy định của Nghị định 08 hay không”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến ngày 25/12, có 78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 235.900 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngân hàng thương mại chiếm 54,5%. Nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8%. Các doanh nghiệp cũng mua lại 230.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 5,8% so với năm 2022.
Theo tạp chí Kinh doanh, về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm sau, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh năm 2024 vẫn đầy khó khăn, thách thức. Do đó, ông yêu cầu Bộ Tài chính có các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần lưu ý bổ sung các luật thuế để mở rộng cơ sở thu, trong đó khai thác thuế từ các hoạt động thương mại điện tử, đất đai, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ăn uống, giải trí... Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng các giải pháp, công cụ phân tích dữ liệu phù hợp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn.
Về thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023, thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm 10-50% với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối 2023.
Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193.400 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 78.400 tỷ đồng; gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng. Riêng chính sách giảm 36 khoản phí, lệ phí, Bộ Tài chính dự kiến tác động giảm thu khoảng 700 tỷ đồng.
Về nhiệm vụ thu ngân sách, đến ngày 25/12 đạt 1,69 triệu tỷ đồng, vượt 4,5% so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô tăng mạnh 44,6% do giá dầu trong năm neo ở mức cao. Tuy nhiên, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, chỉ đạt 92,1% dự toán, dẫn đến tổng thu ngân sách năm nay giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, tổng số chi ngân sách bằng 83,4% dự toán, khoảng 1,73 triệu tỷ đồng. Chi đầu tư phát triển tăng 144.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, khoản chi này chưa đạt kế hoạch, chỉ đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng giao.
Ước tính năm 2023, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP, giảm 40.300 tỷ đồng so với dự toán, thấp hơn mức Bộ Tài chính dự toán trước đó 4,42%, nhưng đánh dấu mức tăng trở lại sau dịch Covid-19.
Vân Anh (T/h)