Yên Bái là tỉnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều hành linh hoạt và chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật đã cuộc phóng vấn đồng chí Đỗ Đức Duy Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Phóng viên: Những năm qua, kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các địa phương. Riêng đối với tỉnh Yên Bái, tình hình phát triển kinh tế - xã hội có những khó khăn, chuyển biến và kết quả như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/C Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái:Năm 2018 và quý I/2019, thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước và của tỉnh Yên Bái có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song quán triệt chủ trương, đường lối và chỉ đạo của Trung ương, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều hành linh hoạt và chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái |
Năm 2018, tỉnh đã hoàn thành toàn diện 31/31 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh (trong đó có 17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 14 chỉ tiêu đạt kế hoạch). Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2018 ước đạt 6,31%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,96%, khu vực dịch vụ tăng 5,86%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ước đạt 33,6 triệu đồng (tăng 13,1% so với năm 2017). Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn tỉnh đã có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt mức khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,5%, xuất khẩu tăng 23,1% so với năm 2017. Thu ngân sách vượt 30,7% dự toán, tăng 15,3% so với năm 2017.
Quý I/2019, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, 12/32 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có số liệu thống kê đều tăng khá so với cùng kỳ 2018 như: Diện tích trồng rừng tăng 51,6%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tăng 15,3%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,2%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 11,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9%...
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển khá toàn diện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ.
Phóng viên: Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như mưa lũ, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề. Vậy tỉnh đã có những phương án, giải pháp nào để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng chịu tác động của thiên tai?
Đ/C Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái:Trong hai năm 2017, 2018, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra 36 đợt thiên tai làm 75 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị sập trôi, hàng trăm công trình hạ tầng bị phá hủy, hư hỏng, hàng ngàn hec-ta cây cối, hoa màu, đất sản xuất nông nghiệp bị hư hại... với tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 2.875 tỷ đồng. QuýI/2019, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 05 đợt thiên tai làm thiệt hại nhiều hoa màu, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 14,2 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái chỉ đạo khắc phục mưa lũ |
Mặc dù nặng nề như vậy, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng, doanh nghiệp và nỗ lực của người dân, Yên Bái đã sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Bài học kinh nghiệm của tỉnh Yên Bái là: Thứ nhất, làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong phòng chống thiên tai; khi xảy ra thiên tai, người tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả. Thứ hai, thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Thứ ba, khi xảy ra thiên tai, đã thực hiện khẩn trương, quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên: (i) Tìm kiếm cứu nạn, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao tiếp tục lũ quét, sạt lở đất; (ii) Bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai; (iii) Khôi phục sản xuất, hỗ trợ tái định cư, từng bước ổn định đời sống nhân dân; (iv) Sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng bị hư hỏng. Thứ tư, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, từ việc dự báo, thông báo diễn biến bất thường của thời tiết, cảnh báo nguy cơ, cho đến việc thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai. Thứ năm, quan tâm làm tốt công tác củng cố hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông nông thôn, tăng cường năng kết nối của các tuyến đường giao thông liên thôn, bản; các tuyến đường chiến lược, tuyến cơ động để tránh tình trạng bị cô lập; khi có thiên tai xảy ra có thể tiếp cận nhanh vùng chịu tác động, thực hiện kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội. Thứ sáu, tranh thủ huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai. Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đến ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai.
Phóng viên: Yên Bái hiện vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế của Tỉnh vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro, áp lực về việc làm sao để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, vừa đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Vậy trong thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục có những giải pháp gì?
Đ/C Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Trong thời gian qua, mặc dù bối cảnh nền kinh tế của đất nước và của tỉnh có nhiều biến động, nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, nhưng Yên Bái vẫn đặc biệt quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững và giữ vững ổn định chính trị - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016 - 2018, Yên Bái đã giảm 14,53% số hộ nghèo (bình quân giảm 4,84%/năm), riêng hai huyện 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 23,04% số hộ nghèo (bình quân giảm 7,68%/năm).
Toàn cảnh Thành phố Yên Bái |
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung: (i) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội đối với công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; (ii) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trong tình hình mới; (iii) Huy động, lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn; (iv) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công, tách bạch chức năng quản lý đối tượng với chức năng chi trả; (v) Triển khai mạnh mẽ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm mới; đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; (vi) Nghiên cứu, nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm giảm nghèo có hiệu quả, nhất là những mô hình tạo nhiều việc làm, dễ thực hiện với hộ nghèo, các nhóm đối tượng yếu thế, người có công... nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Riêng trong năm 2019, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, quy định rõ nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, với mục tiêu trong năm 2019 phải giảm trên 5,5% số hộ nghèo toàn tỉnh (trong đó hai huyện 30a Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm trên 7,5%).
Phóng viên: Chính phủ xác định, doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, trước bối cảnh kinh tế diễn biến khó khăn phức tạp, tỉnh Yên Bái có những nỗ lực như thế nào để đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
Đ/C Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Tỉnh Yên Bái cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp và nhà đầu tư bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 26/CT-TTg, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, khuyến khích khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các hội nghị thường niên gặp mặt doanh nghiệp đầu xuân để tổng kết, đánh giá tình hình phát triển và hoạt động của các doanh nghiệp từ đó làm cơ sở định hướng, đề xuất các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phát triển; định kỳ hàng tháng tổ chức chương trình “Cà phê Doanh nhân” để nắm bắt, xử lý, tháo gỡ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Ngoài ra còn tiếp nhận, xử lý, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh. Khi doanh nghiệp triển khai các dự án quy mô lớn, phức tạp trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đều thành lập các tổ công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan là thành viên để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, triển khai dự án.
Đặc biệt, năm 2018 tỉnh đã thành lập và đưa Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh vào hoạt động, là một bước đột phá về cải cách hành chính, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân. Từ ngày 01/4/2019, tỉnh tiếp tục đưa vào vận hành đồng loạt tại 09/09 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hệ thống phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã liên thông với Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy trình giải quyết một số thủ tục hành chính phức tạp theo cơ chế một cửa liên thông như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục tiếp cận đất đai, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội...
Phóng viên: Nhìn xa hơn, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng; để tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập thành công, tỉnh Yên Bái đã có những chính sách gì?
Đ/C Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến về đường lối, chínhsách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế. Ban hànhbộ chính sách để thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nôngthôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020; chính sách khuyến khích đầu tư vàolĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giaiđoạn 2017 - 2020; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giaiđoạn 2019 - 2025; kế hoạch thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vựcsản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giaiđoạn 2017 - 2020; danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn2018 - 2020; danh mục các dự án sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và nhiềuvăn bản khác, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợicho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh, phát triển vàhội nhập.
Ruộng bậc thang ở Yên Bái |
Ban hành bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để đánh giá mức độ hài lòng của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp vàthực hiện khảo sát, đánh giá hàng năm đối với các sở, ban, ngành, các địa phương. Từ những nỗ lực đó, từ năm 2015 đến năm 2018, Yên Bái đã tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (từ vị trí thứ 55 năm 2015lên vị trí 42 trong năm 2018); tăng 6 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (từ vị trí 48 năm 2015 lên vị trí 42 năm 2017); tăng 30 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (từ vị trí thứ 49 năm 2016 lên vị trí 19 năm 2018).
Phóng viên: Xin Đồng chí cho biết thêm về một số mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh Yên Bái trong năm tới?
Đ/C Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Năm 2019, với phương châm hành động "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, kỷ cương, hiệu quả", tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững với kịch bản tăng trưởng cao, đảm bảo cơ bản về đích các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược: Tăng cường thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác xã; phát huy nhân tố con người và văn hóa các dân tộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững. Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội./.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Thu (Thực hiện)