Trong quan niệm của người Việt, đầu năm là thời điểm bắt đầu một hành trình, thay đổi mới. Vì vậy, nhiều người xin chữ viết từ ông đồ ngày đầu xuân với mong muốn sẽ có lộc, tài, may mắn cho những khởi đầu mới.
Ngoài ra, nhiều người còn muốn "xin" có được những phẩm chất, đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình. Đó cũng là minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Người Việt tin rằng, những con chữ đẹp, ý nghĩa sẽ mang đến nhiều may mắn, thành công và có một năm mới thuận lợi, suôn sẻ.
Trao đổi trên báo Lao động, ông Đỗ Quốc Vũ - Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt Unesco cho biết, về ý nghĩa của phong tục xin chữ đầu năm, nhiều thông tin được lan truyền rằng, từ đời xưa khi muốn xin chữ, người xin phải chuẩn bị một lễ nhỏ gồm cau trầu, chè thuốc đến nhà thầy đồ, thầy giáo.
“Mỗi nét chữ viết ra trên khổ giấy như rồng bay phượng múa. Người xin chữ đứng xem các thầy đồ trổ tài hoa đưa các nét cọ điêu luyện, uyển chuyển như đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thực sự”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.
Cũng về tục xin chữ đầu năm, theo thư pháp gia - TS Cung Khắc Lược, người xưa có câu “nhất tự thiên kim” tức “một chữ đáng nghìn vàng”. Hơn thế nữa, người xưa đã từng nói “cho bạc, cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi”. Xin chữ cũng chính là xin nẻo, xin đàng đi đúng hướng để công thành, danh toại.
TS Lược cho biết, người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể chỉ đúng đường, đúng lối cho người xin chữ đạt được ước nguyện được gửi gắm qua từng nét bút.
Thông tin trên báo Đại biểu Nhân dân, vừa qua lễ khai mạc Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 và Triển lãm thư pháp "Hiếu học" đã diễn ra tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Đây là năm thứ 11 Hội chữ Xuân tổ chức gồm các hoạt động cho chữ, xin chữ, các gian lều viết chữ của 40 "ông đồ" được bố trí xung quanh hồ Văn, phục vụ nhu cầu của du khách nhân dịp đầu Xuân năm mới.
Hội chữ Xuân năm nay là triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh Hồ Văn.
Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 3/2 đến ngày 19/2 (tức ngày 24 tháng Chạp đến mùng 9 tháng Giêng), mở cửa hàng ngày từ 8h đến 22h.
Thủy Tiên (T/h)