Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dệt may chỉ đạt mức tăng trưởng khá thấp, xoay quanh 5-5,5%. Điều này đã khiến cho mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2016 nhiều khả năng không hoàn thành.
Xuất khẩu dệt may trong tháng 8 đạt 2,47 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng đầu năm 2016 lên 15,64 tỷ USD, tăng 5,5% (tương đương tăng 812 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Dù vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng này chỉ bằng ½ so với năm 2015 (năm 2015 tăng trưởng hơn 10%). Nguyên nhân của tình trạng này theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) là do tình hình kinh tế thế giới bất ổn đã tác động mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản sức mua cũng hạn chế.
Đặc biệt, ngành dệt may chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar, Bangladesh. Nhiều đơn hàng đã dịch chuyển sang các thị trường này khiến cho nhiều doanh nghiệp “ăn đong”, thậm chí thiếu đơn hàng.
Nhiều nước đang tập trung nguồn lực, có cơ chế chính sách để phát triển ngành dệt may trong khi đó, chính sách trong nước không “nuôi dưỡng” mà lại gây áp lực tới doanh nghiệp như việc tăng lương tối thiểu và một số quy định kiểm tra chuyên ngành không hợp lý.
Theo các chuyên gia trong ngành, nếu tình trạng này kéo dài, xuất khẩu toàn ngành khó đạt được 29 tỷ USD chứ chưa nói tới mục tiêu 31 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS nhấn mạnh, dệt may đang cần trợ sức để vượt qua khó khăn hiện tại và đề xuất, Chính phủ và các bộ, ngành thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1.000ha để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm hoàn tất.
Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp này; phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng xuất nhập khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Về phía doanh nghiệp, để cạnh tranh với các nước trong khu vực cần phải đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, chọn nguồn nguyên liệu tốt, giảm chi phí sản xuất và tập trung làm hàng FOB thay vì chỉ gia công đơn thuần như trước đây.