Dịp Tết, do chế độ ăn uống thay đổi nên nhiều người hay bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa hoặc nặng hơn là ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp đó bạn cần biết cách xử lý tại chỗ.
Trong dịp nghỉ Tết, việc uống quá nhiều rượu, bia và ăn nhiều thức ăn thừa đạm, chất béo, ngọt trong khoảng thời gian ngắn, sẽ khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị tiêu chảy nặng, hay ngộ độc thực phẩm.
Nguyên nhân bị ngộ độc thực phẩm ngày Tết
Cần mua thực phẩm uy tín có chất lượng để tránh bị ngộ độc. |
Tình trạng ngộ độc thực phẩm, hay rối loạn tiêu hóa hay xảy ra trong dịp Tết bởi vì thức ăn mọi người thường nấu nhiều quá, còn nhiều thức ăn thừa nên có thói quen để lại đến hôm sau sẽ ăn tiếp.
Hơn nữa, có thể bạn mua phải thực phẩm kém chất lượng, quá hạn... nên khi ăn bị ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm ngày Tết
Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1- 2 ngày sau khi ăn.
Khi bị ngộ độc thực phẩm cơ thể thường xuất hiện các triệu chứng đau bụng quằn quại, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau đầu, choáng váng, buồn nôn hoặc nôn mửa liên tục, sốt nóng hoặc sốt rét, khó thở, da tím tái, vã mồ hôi, truỵ mạch (mạch nhanh, huyết áp tụt), co giật...
Cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm
Việc tìm hiểu cách sơ cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm tại nhà trước khi đưa tới cơ sở y tế, tránh được những hậu quả đáng tiếc, nhất là trong dịp Tết là rất cần thiết.
Theo các bác sĩ, khi bị ngộ độc thực phẩm mà bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nói chuyện được, cần cho bệnh nhân uống nước canh, nước hoa quả, bù nước, bù muối. Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyên cho người bệnh uống nước trà đường nóng để bù nước, cầm đi lỏng, phân giải hòa loãng chất độc. Có thể dùng nước sắc lá sim, lá ổi, núm hoa chuối tiêu, vỏ măng cụt… sao vàng sắc đặc cho uống.
Trong trường hợp bị ngộ độc nặng hơn, như có biểu hiện đau bụng, nôn liên tục, tiêu chảy nhiều lần... phải nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu. Bởi vì nếu trong trường hợp bị ngộ độc thức ăn cấp, kèm theo nôn không bồi phụ nước, điện giải qua đường uống được, bắt buộc phải truyền dịch. Nếu để tình trạng nôn hoặc tiêu chảy mất nước quá nhiều, sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm mà không tỉnh táo, thở yếu, hoặc ngừng thở, người nhà cần phải cấp cứu tại chỗ như hô hấp nhân tạo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang bên phải, rồi đưa đi cấp cứu.
Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
Đối với các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, khi sơ cứu cần chú ý chỉ gây nôn khi bệnh nhân tỉnh và không gây nôn nếu bệnh nhân là trẻ em, vì trẻ rất dễ bị sặc. Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc thực phẩm dùng các thuốc chống tiêu chảy vì các thuốc này có thể làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn, chất độc ra khỏi cơ thể.
Những người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ em có hệ miễn dịch còn non cần chú ý đặc biệt tới việc ăn uống trong ngày Tết vì các chứng rối loạn tiêu hóa dễ xảy ra ở hai lứa tuổi này.
Minh Minh(T/h)