Để gỡ vướng cho 2 dự án Saigon Center IV, V, bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét cho điều chỉnh thời gian hoạt động 2 dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được bàn giao mặt bằng.
Saigon Centre-IV,V vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng do chưa được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Bộ KH&ĐT vừa báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ Saigon Center IV, V- hai dự án thành phần của Dự án Saigon Centre ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP.HCM), lần lượt của hai công ty TNHH Keppel Land Watco IV, V.
Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ này phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đề xuất thời hạn hoạt động của 2 dự án, bảo đảm các dự án hoạt động có hiệu quả cho phía Nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài.
Được biết, dự án Saigon Center tại 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM được cấp phép lần đầu năm 1993, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 270 triệu USD, trong đó phía Việt Nam (Tổng công ty Đường sông Việt Nam và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) góp 32% vốn pháp định (khoảng 38,7 triệu USD) bằng quyền sử dụng đất, còn lại là do Tập đoàn Keppel Land (Singapore) góp 82,3 triệu USD, chiếm 68% vốn pháp định, bằng máy móc, thiết bị, vật tư, phương tiện vận chuyển và tiền nước ngoài.
Sau đó, Công ty TNHH Keppel Land Watco chia thành 5 công ty con là: Công ty TNHH Keppel Land Watco I, II, III, IV, V, lần lượt thực hiện 5 dự án Saigon Center I, II, III, IV, V.
Thời điểm hiện tại, các dự án Saigon Center I, II, III đã hoàn thành, tuy nhiên, 2 dự án Saigon Center IV, V vẫn chưa triển khai đầu tư xây dựng do Tổng công ty Đường sông Việt Nam và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa bàn giao đủ quỹ đất để xây dựng.
Sau 27 năm cấp phép đầu tư, 2 tổng công ty mới góp được 816m2/3.376m2 đất dự án Saigon Center IV, khoảng 5.247m2 đất dự án Saigon Center V chưa bàn giao.
Diện tích đất chưa bàn giao để triển khai 2 dự án hơn 6.060m2, hiện đang được giao cho 4 đơn vị thuộc bộ GTVT sử dụng làm Văn phòng thường trực phía Nam của bộ GTVT, và 3 doanh nghiệp trực thuộc Bộ này là Công ty CP tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, Công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng công trình, Công ty CP hàng hải Đông Đô.
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng, UBND TP.HCM cho biết, nguyên nhân chậm giao đất thực hiện dự án là vì TP.HCM và bộ GTVT chưa thống nhất được phương án di dời, đền bù nên chưa thể giao đất cho nhà đầu tư.
Việc chưa bàn giao mặt bằng trong suốt thời gian 1993 đến nay đã ảnh hưởng đến thời gian khai thác dự án của nhà đầu tư, đồng thời, lỗi chậm bàn giao mặt bằng không phải là lỗi của nhà đầu tư.
Về phía nhà đầu tư, đơn vị này đã có văn bản gửi ngành chức năng và chính quyền TP.HCM về những vướng mắc, khó khăn liên quan đến Dự án.
Vì vậy, TP.HCM kiến nghị cho điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày bàn giao đất, theo quy định của Luật Đất đai 2014.
Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét cho điều chỉnh thời gian hoạt động 2 dự án là 50 năm, tính từ ngày dự án được bàn giao mặt bằng.
Việc điều chỉnh thời hạn hoạt động dự án sẽ dẫn tới thay đổi điều kiện chuyển giao không bồi hoàn (thời gian chuyển giao theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hiện hữu là đến năm 2043, nay có thể kéo dài đến năm 2070) và các điều kiện về giao thuê đất.
Trong trường hợp được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian giao đất, bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM phối hợp với các bộ: GTVT, Tài chính và các bên liên quan thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Rà soát lại quá trình góp vốn của phía Việt Nam vào liên doanh, xác định lại giá trị vốn góp, tỉ lệ vốn góp tương ứng giá đất hiện hành.
Giám sát việc hoàn trả tiền thuê đất của Tổng công ty Đường sông Việt Nam và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn vào ngân sách.
Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn có nhiệm vụ đàm phán, thương lượng với nhà đầu tư nước ngoài về trách nhiệm chia sẻ chi phí giải phóng mặt bằng khu đất dự án.
Bạch Hiền (t/h)