Chiều 30/11, Tổ CSGT xử lý chéo địa bàn (thuộc Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) triển khai lập chốt, xử lý vi phạm tại tuyến đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội). Ca công tác này, Tổ CSGT tập trung xử lý tình trạng học sinh sinh viên vi phạm Luật giao thông.
Lực lượng chức năng xác định, khu vực này tập trung một số trường THPT, đại học... thường xuyên có học sinh, sinh viên vi phạm lỗi như không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, không có giấy phép lái xe và sử dụng điện thoại, đeo tai nghe khi lái xe...
Ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật, chỉ sau ít phút lập chốt, Tổ CSGT đã dừng, kiểm tra hàng chục trường hợp vi phạm các lỗi: không đội mũ bảo hiểm, chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm.
Bên cạnh những trường hợp chấp hành theo hiệu lệnh của lực lượng CSGT thì vẫn còn một số trường hợp có hành vi chống đối, lạng lách, đánh võng khi CSGT phát hiện vi phạm và yêu cầu dừng xe để xử lý.
Khi bị lực lượng cảnh sát giao thông tạm dừng phương tiện, xử lý vi phạm thì nhiều học sinh, sinh viên viện đủ lý do để biện minh cho hành vi vi phạm của mình: "Đi học vội quá nên không mang mũ"; "dậy muộn, vội nên quên"; "trường học ở gần, chở bạn ra bến xe buýt...".
Thiếu tá Trần Quang Chinh - Tổ trưởng Tổ CSGT xử lý chéo địa bàn cho biết, kết thúc ca công tác Tổ đã xử lý 21 trường hợp là học sinh, sinh viên vi phạm Luật giao thông.
Thiếu tá Chinh nhận định, tình trạng học sinh sinh viên vi phạm Luật giao thông khá phổ biến, do ý thức chấp hành luật của một bộ phận học sinh sinh viên còn chưa tốt. Bên cạnh đó, gia đình quản lý các em chưa tốt khi giao phương tiện cho các em sử dụng mà chưa trang bị kiến thức về an toàn giao thông.
“Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xử lý đối với các cháu học sinh dưới 18 tuổi là nhận thức của các cháu còn rất yếu, nhiều trường hợp khi được hỏi tại sao không chấp hành hiệu lệnh mà quay đầu bỏ chạy thì các cháu cho biết do sợ về nhà bị giữ xe, bị bố mẹ mắng,… hay cứ nhìn thấy các chú công an là quay đầu bỏ chạy hay thậm chí phi thẳng xe vào lực lượng chức năng.
Việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho các em học sinh là rất quan trọng. Bởi lứa tuổi này cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, giúp các em hình thành ý thức, thói quen tham gia giao thông an toàn”, Thiếu tá Chinh cho biết.
Để bảo đảm ATGT cho con em mình, gia đình đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục các em. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, nhiều bậc phụ huynh chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục cho con em về ATGT
XEM THÊM: "Nhức mắt" cảnh học sinh, sinh viên trường Lương Thế Vinh, FPT Polytechnic vi phạm ATGT
Được biết, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các học sinh sinh viên vi phạm Luật giao thông, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội còn gửi thông báo về nhà trường để có hình thức giáo dục, kỷ luật.
Nguyễn Lâm