Đó là câu hỏi mà nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đưa ra liên quan tới một kế hoạch mới của thành phố Hà Nội về việc giảm thiểu ô nhiễm không khí cho Thủ đô.
Phát biểu tại Hội thảo “Theo dõi và quản lý chất lượng không khí ở Hà Nội: Kinh nghiệm, thách thức và định hướng cho tương lai” diễn ra vào sáng ngày 19/10 vừa qua, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cho không khí của Hà Nội đang ngày càng trở nên trầm trọng, trong đó có sự gia tăng không nhỏ của các phương tiện giao thông cũng như các hoạt động chuyên chở vật liệu xây dựng trên đường phố…
Theo ông Đông, tới đây, Hà Nội sẽ lắp đặt các trạm rửa xe tự động, yêu cầu các xe ô tô vào nội thành bắt buộc phải rửa xe, tránh mang bụi vào Thành phố.
Hà Nội sẽ lắp đặt các trạm rửa xe tự động. Ảnh: An ninh thủ đô |
Nêu quan điểm về vấn đề trên, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, mục tiêu của kế hoạch là rất đáng hoan nghênh, vì việc giảm thiểu ô môi trường Hà Nội nói chung và môi trường không khí của Thủ đô nói riêng đang được coi là một trong những vấn đề ưu tiên và cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, tính khả thi của kế hoạch không cao.
Cụ thể, một là, theo như kế hoạch của thành phố, nếu ô tô muốn vào nội thành phải được rửa sạch sẽ để hạn chế bụi bẩn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc đánh giá phương tiện sạch hay bẩn lâu này hoàn toàn dựa trên quan sát cảm quan. Do vậy, muốn áp dụng được kế hoạch này đồng nghĩa với việc phải hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá sạch – bẩn cụ thể đối với phương tiện ô tô. Và căn cứ vào hệ tiêu chuẩn đó, ô tô đạt chuẩn sạch thì sẽ được qua, còn ô tô bẩn thì buộc phải vào trạm rửa.
Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, mục tiêu của kế hoạch là rất đáng hoan nghênh, song tính khả thi của kế hoạch không cao. |
Hai là, kế hoạch này khó có thể áp dụng đối với tất cả các loại ô tô. Điển hình, xe cứu hỏa, xe cấp cứu bệnh nhân, xe ngoại giao… là các loại phương tiện ưu tiên; không thể áp dụng theo quy định rửa xe của thành phố nói chung. Muốn kế hoạch đi vào thực tế, cần sớm xây dựng được bảng phân loại các loại phương tiện ô tô và phân định loại nào được ưu tiên, “nằm ngoài” đối tượng áp dụng quy định; loại nào cần tuân thủ theo nguyên tắc đã đặt ra.
Ba là, đặt ra quy định đồng nghĩa phải có chế tài xử phạt đi kèm với những phương tiện không chấp hành. Do đó, xử phạt như thế nào, hình thức phạt ra sao cũng như mức phạt có phù hợp với thực tế không lại là cả một lộ trình dài mà Thành phố cần hoàn thiện sớm.
“Xe đi từ Ba Vì hoặc Sơn Tây xuống nội thành Hà Nội; chủ xe không muốn vào trạm rửa xe của thành phố vì nhận thấy xe vẫn sạch sẽ. Vậy trong trường hợp này, chủ xe có vi phạm quy định nói trên không? Hay xe biển ngoại giao từ ngoại ô đi vào thành phố có bắt buộc phải “xếp hàng” để đợi tới lượt rửa xe mới được “thông quan”?... Phải giải quyết được các bất cập nêu trên thì kế hoạch “giảm bụi” của thành phố mới có thể dần đi vào thực tế” – bà An cho biết.