WHO khuyến nghị Việt Nam tăng giá các sản phẩm rượu bia để có thể giảm thiểu số lượng người nhập viện do 'đồ uống có cồn'.
Ngày 18/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Chuyên đề Nhóm Đối tác Y tế với nội dung Tham vấn về dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia nhằm kêu gọi hành động mạnh mẽ để giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, tương đương mức ở Thái Lan.
Con số tương ứng ở Mông Cổ là 7,4; Trung Quốc 7,2; Campuchia 6,7; Philippines 6,6 và Singapore 2 lít.
Việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ước tính dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016. Hàng trăm nghìn người phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan.
Mỗi người Việt một năm tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất |
WHO cho rằng sử dụng rượu, bia ở mức có hại là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm. Nó cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích.
Theo tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại đang tước đi các nguồn lực giá trị để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về chăm sóc sức khỏe và phát triển ở Việt Nam. Nó để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội. Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương 1,3-3,3% tổng sản phẩm quốc nội GDP.WHO cho rằng sử dụng rượu, bia ở mức có hại là yếu tố chính góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm. Nó cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng. Vì thế cần thiết phải giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia, qua đó giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, gửi thư tới hội nghị kêu gọi hành động mạnh mẽ để giải quyết tác hại của việc sử dụng rượu, bia; nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam.
Cấm quảng cáo bia, tăng giá đồ uống có cồn
WHO khuyến nghị Việt Nam tăng giá các sản phẩm rượu bia. Các bằng chứng cho thấy giá tăng có tác dụng làm giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do uống rượu, bia cũng sẽ giảm.
Theo một ước tính trong năm 2018 của WHO, với mỗi một USD chi để thực hiện các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra thì sẽ thu được lợi ích tương đương 9,13 USD.
Dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia được Bộ Y tế xây dựng gồm 6 chương, 22 điều, trong đó có quy định các biện pháp giảm tác hại, giảm mức tiêu thụ, kiểm soát việc cung cấp rượu bia... Đặc biệt, Bộ Y tế đề xuất cấm quảng cáo bia chứ không chỉ kiểm soát quảng cáo rượu như hiện nay, đồng thời quy định thời gian cấm bán rượu bia.
Minh Dân (t/h)