Reuters đưa tin ngày 21/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số trường hợp mắc sốt xuất huyết có khả năng đạt gần mức kỷ lục trong năm nay, một phần do sự nóng lên toàn cầu tạo ra môi trường có lợi cho loài muỗi truyền bệnh.
Theo WHO, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đang gia tăng trên toàn cầu, với số trường hợp được báo cáo từ năm 2000 tăng gấp 8 lần lên 4.2 triệu ca mắc vào năm 2022. Sốt xuất huyết được phát hiện lần đầu tiên tại thủ đô Khartoum (Sudan), trong khi châu Âu báo cáo số ca mắc đột biến, còn Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại hầu hết các khu vực.
Hồi tháng 1/2023, WHO đã cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới, đồng thời là một “mối đe dọa đại dịch”.
Chia sẻ với các phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 21/7, Tiến sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia tại bộ phận kiểm soát các bệnh nhiệt đới bị lãng quên của WHO, cho hay khoảng một nửa dân số thế giới đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh.
Theo Tiến sĩ Velayudhan, các trường hợp mắc sốt xuất huyết được báo cáo cho WHO ở mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2019, với 5,2 triệu ca mắc tại 129 quốc gia. Sau 4 năm, thế giới hiện đang trên đà ghi nhận "hơn 4 triệu ca", phụ thuộc chủ yếu vào mùa mưa gió ở châu Á.
Vị chuyên gia nói thêm, gần 3 triệu ca mắc đã được báo cáo tại châu Mỹ, bên cạnh đó có lo ngại về sự lây lan từ phía Nam sang Bolivia, Paraguay và Peru. Argentina, nơi phải đối mặt với một trong những đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong những năm gần đây, đang triệt sản muỗi bằng cách sử dụng bức xạ làm thay đổi DNA của chúng trước khi thả về tự nhiên.
“Tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến khá tồi tệ tại khu vực châu Mỹ. Chúng tôi hy vọng khu vực châu Á có thể kiểm soát được tình hình”, Tiến sĩ Velayudhan nói.
Theo WHO, các trường hợp được báo cáo về căn bệnh gây sốt và đau cơ này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ca nhiễm toàn cầu do hầu hết đều không có triệu chứng. Bệnh gây tử vong ở ít hơn 1% số ca mắc.
XEM THÊM: Cẩn trọng với bệnh đau mắt đỏ khi thời tiết giao mùa
Khí hậu ấm hơn được cho là giúp muỗi sinh sôi nhanh hơn và tạo điều kiện cho virus trong cơ thể chúng phát triển. Theo Tiến sĩ Velayudhan, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và di chuyển của con người ngày càng tăng, quá trình đô thị hóa và các vấn đề liên quan đến vệ sinh là những yếu tố khác đằng sau sự gia tăng các ca bệnh.
Về việc đợt nắng nóng đang ảnh hưởng đến Bắc bán cầu sẽ tác động ra sao đến sự lây lan của dịch bênh, Tiến sĩ Velayudhan cho hay hiện còn quá sớm để nói về vấn đề này. Về lý thuyết, mức nhiệt trên 45 độ C sẽ khiến muỗi chết nhiều hơn thay vì sinh sôi mạnh nhưng muỗi là loài côn trùng rất thông minh, chúng có thể sinh sản trong các vật chứa nước nơi nhiệt độ không tăng cao như vậy.
Đinh Kim(Theo Reuters)