Trong những ngày đầu tháng 7, tại bệnh viện Mắt Hà Nội 2, các bác sĩ liên tục tiếp nhận và điều trị các ca đau mắt đỏ bao gồm cả trẻ em lẫn người lớn, dẫn nguồn báo Tổ Quốc.
Cụ thể, 1 bệnh nhân mới chỉ 3 tuổi được đơn vị này chẩn đoán bị viêm kết mạc nặng (đau mắt đỏ) có giả mạc, sau 5 ngày uống thuốc tại nhà. Thời gian điều trị của cháu bé được xác định sẽ lâu hơn các trường hợp khác bởi người nhà đưa cháu tới muộn quá.
Tại Hà Tĩnh, các cơ sở y tế ở đây ghi nhận sự gia tăng của các bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khám và điều trị từ 15-20 bệnh nhân đau mắt đỏ, dẫn nguồn từ báo Hà Tĩnh.
Cũng tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Mỗi ngày, tại khoa Khám bệnh tiếp nhận trên 200 người đến khám các loại bệnh về mắt, thì có đến gần 1/3 bệnh nhân bị đau mắt đỏ, trong đó có gần chục bệnh nhân sau khám chỉ định nặng cần phải nhập viện điều trị.
Theo chia sẻ từ bác sĩ Phạm Thị Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện mắt Ninh Bình): Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Đặc biệt là vào mùa hè thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch.
Bệnh đau mắt đỏ có lây không?
Bệnh đau mắt đỏ nếu không chú ý sẽ rất dễ lây lan mạnh. Theo bác sĩ Phạm Thị Hạnh, trung gian truyền bệnh chính là nước mắt của bệnh nhân đau mắt đỏ, do nước mắt này có chứa virus.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua nhiều đường như: hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm chạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguồn bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt hay lây qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng.
Mầm bệnh lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi và qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn...); đồng thời qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ như nước hồ bơi).
Vì vậy, môi trường công sở, lớp học, nơi công cộng là những nơi khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát dịch.
Không tự ý đắp lá cây lên mắt để tránh biến chứng nặng
Do không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, cộm rát, giảm tỷ lệ biến chứng...
Theo đó, có thể dùng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm giảm cảm giác cộm rát, khó chịu.
Thông tin từ bác sĩ Phạm Thị Hạnh, người dân không tự đắp lá trầu, lá dâu vào mắt hoặc những thuốc dân gian như đắp lá nha đam, xông lá trầu… gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng đến thị lực.
Chia sẻ từ bác sĩ Lê Văn Tịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Khi bị đau mắt đỏ cần nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng. Chủ động đến cơ sở y tế khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Nguyễn Linh(T/h)