(ĐSPL) - Kết thúc chuỗi ngày vi phạm pháp luật, Điệp bị kết án 20 năm tù. Ở trong tù, Điệp lên kế hoạch vượt ngục rồi ẩn mình dưới vỏ bọc Việt kiều hào hoa.
Trước khi tra tay vào còng số 8, Điệp được biết đến như “vua tham ô”. Bằng nhiều thủ đoạn, chỉ trong vòng vài năm làm việc ở phòng Lao động-Thương binh & Xã hội, Điệp liên tục bòn rút, tham ô tiền của người dân. Kết thúc chuỗi ngày vi phạm pháp luật, Điệp bị kết án 20 năm tù. Ở trong tù, Điệp lên kế hoạch vượt ngục rồi ẩn mình dưới vỏ bọc Việt kiều hào hoa.
Vụ phá buồng giam vượt ngục
Xuất thân trong gia đình có truyền thống song Đặng Thanh Điệp (SN 1950, ngụ huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) lại tự tay vấy bẩn truyền thống gia đình. Ngay từ nhỏ, Điệp tỏ rõ lối sống ích kỷ, tư tưởng phản động. Khi đã trưởng thành, rũ bỏ hình ảnh người cha, người chú từng vào sinh ra tử cứu nước, Điệp phản bội niềm tin gia đình, Tổ quốc, khoác lên người bộ quần áo của quân Ngụy. Sau giải phóng, Điệp được bố trí đi cải tạo nhằm thay đổi lối sống, gột rửa tư tưởng phản động. Tuy nhiên, lối sống, tư tưởng ấy vẫn như những con sóng ngầm lắng sâu trong ý thức Điệp. Mặc dù, nhận biết Điệp khó cải tạo, tuy nhiên, khắc ghi công lao của cha Điệp cống hiến cho công cuộc cứu nước, giữa những năm 1975, Điệp được một cán bộ giới thiệu vào làm việc trong cơ quan Nhà nước.
Hai tháng sau, Điệp tiếp tục được thuyên chuyển qua công tác tại phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) với chức vụ kế toán trưởng. Những tưởng đây sẽ là môi trường cho Điệp tu chí làm ăn, cống hiến cho địa phương, rèn luyện lối sống, tư tưởng lành mạnh. Nào ngờ, Điệp lại âm mưu biến sự ưu ái của Nhà nước thành miếng bánh béo bở, bàn đạp “hút máu” người dân. Hồ sơ công an cho thấy, trong một thời gian dài, từ tháng 8/1976 đến tháng 4/1978, Đặng Thanh Điệp lợi dụng quyền hạn, nhiều lần có hành vi lừa dối lãnh đạo, lập khống nhiều hóa đơn, chứng từ... để biển thủ công quỹ, chi xài cho mục đích cá nhân. Kết quả thanh tra cho thấy, trong thời gian làm việc, Điệp tham ô số tài sản lên đến nhiều tỉ đồng.
Vụ việc Đặng Thanh Điệp vỡ lở những năm 1980, đã đưa y lên như một ông “vua tham ô” miền Tây. Kết thúc vụ án, Điệp bị TAND tỉnh Cửu Long (cũ) tuyên phạt 20 năm tù và chấp hành án tại trại giam Bến Giá (V26 – bộ Công an). Tuy nhiên, với bản tính gan lỳ, xảo quyệt cùng việc tạo được nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp bằng những đồng tiền do vi phạm pháp luật mà có, Điệp rắp tâm lập kế hoạch trốn trại. Dưới sự giúp đỡ của đàn em, Điệp nhanh chóng tìm được kẽ hở vượt tù. Sau khi lên kế hoạch hoàn hảo, móc nối với đồng bọn ở ngoài, lợi dụng sơ hở trong giờ lao động, Điệp phá cửa buồng giam trốn thoát. Trốn trại thành công, Điệp tiếp tục móc nối, cấu kết với những thành phần sống ngoài vòng pháp luật, đưa mình vượt biên ra nước ngoài lẩn trốn.
Sự kiện Đặng Thanh Điệp phá buồng giam trốn trại khiến tên tuổi hắn gắn liền với lệnh truy nã đặc biệt. Biết mình mang nhiều lệnh truy nã, Điệp tìm mọi cách hủy toàn bộ những thông tin cá nhân cùng các dấu vết của cuộc trốn trại, vượt biên. Theo thời gian, những manh mối về ông “vua tham ô” có nhiều lệnh truy nã nhạt dần. Các đội trinh sát vẫn được tung đi khắp nơi, giăng ra hàng loạt bẫy thông tin trên những địa điểm, khu vực được cho là có thể Điệp sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, suốt nhiều năm ròng rã thông tin về “vua tham ô” vẫn chỉ dừng lại ở những trang giả thuyết.
Lệnh truy nã của cục Cảnh sát Hình sự đối với đối tượng Đặng Thanh Điệp. |
|
Đòn quyết định
Trong khi phía bên kia biên giới, Điệp tin rằng thời gian sẽ bôi xóa tên tuổi, tội lỗi của mình thì trong nước, các chiến sỹ công an vẫn miệt mài tìm kiếm, thu thập, củng cố thông tin về Điệp. Hành trình tìm kiếm tên tội phạm có biệt tài trốn nã diễn ra âm thầm, lặng lẽ từ năm này sang năm khác. Các chiến sỹ phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Trà Vinh nhận định, hành trình truy bắt tên Điệp luôn được cán bộ, chiến sỹ của đơn vị xem là quá trình lâu dài, khó khăn. Tuy nhiên, các chiến sỹ cũng đặt mục tiêu truy bắt cho bằng được đối tượng gian xảo, mang trên mình nhiều lệnh truy nã.
Theo đó, hành trình truy bắt tên tội phạm trốn nã bắt đầu từ những chuỗi ngày đi mọi miền thu thập thông tin. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ của Điệp cho thấy, ngày trốn trại, vượt biên, Điệp đưa theo vợ là Nguyễn Thị Bạch Tuyết cùng con cái trốn ra nước ngoài. Từ manh mối trên, các chiến sỹ PC52 đã lên kế hoạch điều tra, thu thập thông tin. Cuối cùng, sau nhiều chục năm ròng rã, PC52 Công an tỉnh Trà Vinh cũng xác định tính xác thực của thông tin Điệp đang sinh sống cùng vợ con ở Úc. Trong vai một doanh nhân kinh doanh mặt hàng may mặc, Điệp tạo cho mình một vỏ bọc hết sức hoàn mỹ.
Trong thời gian trốn nã, Điệp vẫn liên tục liên lạc với gia đình đang sinh sống tại Việt Nam dưới hình thức Việt kiều yêu nước. Tuy nhiên, hắn tỏ ra hết sức gian xảo. Suốt 30 năm qua, Điệp không dám về nước mà chỉ liên lạc với gia đình qua thư tín. Nhận định Điệp vẫn có ý muốn về nước thăm gia đình, nếu có cơ hội, PC52 Công an tỉnh Trà Vinh đã lên kế hoạch đợi đón lõng Điệp.
Đầu năm 2012, tự thấy tội lỗi của mình đã “cũ”, công tác truy nã được công an nới lỏng, Điệp quyết định về nước. Với kinh nghiệm trốn nã nhiều năm, Điệp vẫn tỏ ra hết sức cẩn trọng. Việc trở về của y được lên kế hoạch một cách bí mật, tỉ mỉ. Rời sân bay, Điệp không về ngay nhà mẹ ruột mà thuê khách sạn làm nơi tá túc. Đồng thời, y nhiều lần tung người dò la, tìm hiểu công tác truy nã của cơ quan chức năng. Khi nhận thấy mọi công tác truy nã y dường như bị lãng quên, y lại nhờ bạn bè, người thân quen trước đây liên hệ, dò la hoạt động của cơ quan công an. Sau cùng, khi tin chắc việc truy nã mình đã bị ngưng trệ, Điệp cẩn trọng bí mật về nhà mẹ ruột. Tuy nhiên, hắn không có thời gian thực hiện ý đồ của mình.
Các chiến sỹ Công an thuộc PC52, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, Điệp tỏ ra hết sức tinh quái. Kế hoạch để Điệp về thăm gia đình rồi mới tiến hành bắt giữ nhiều khả năng thất bại, bởi ở Việt Nam có rất nhiều người sẵn sàng làm tai mắt, bảo vệ, cảnh giới cho y. Hơn thế, khu vực nhà mẹ ruột của Điệp rộng lớn, nhiều cây cối, sông ngòi, nếu để Điệp phát hiện, tháo chạy sẽ khó truy bắt. Sau cùng, kế hoạch bắt Điệp ngay trong khách sạn vào thời điểm Điệp chủ quan nhất, tự tin nhất được lựa chọn.
Theo kế hoạch, trưa 5/1/2012, khi Điệp hoàn toàn tự tin về việc không còn ai nhớ, ai biết về tội lỗi cũng như kế hoạch bí mật về thăm gia đình của mình, thì bất ngờ các chiến sỹ công an ập vào, khống chế và đọc lệnh bắt giữ. Quá bất ngờ, Điệp chỉ còn biết đứng đờ người nghe lệnh bắt rồi cúi đầu tra tay vào còng, kết thúc hành trình trốn trại, trốn nã ròng rã suốt 30 năm.
Không bỏ qua bất cứ thông tin nào Đại diện PC52, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: “Khi các đối tượng bị truy nã còn sống ngoài vòng pháp luật, khả năng gây nguy hiểm cho xã hội cao nên lực lượng chức năng quyết tâm truy bắt cho bằng được. Pháp luật luôn có sự khoan hồng cho những người biết hối cải nhưng cũng thể hiện sự nghiêm khắc với các hành vi phạm tội do đối tượng gây ra. Khi các đối tượng chưa bị bắt, chúng tôi vẫn ngày đêm thu thập thông tin, dù chỉ là một thông tin nhỏ nhất để có thể tìm ra tung tích đối tượng”. |
Bắt đối tượng truy nã trộm cắp sau 16 năm lẩn trốn
HÀ NGUYỄN – NGỌC LÀI
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vua-tham-o-vuot-nguc-an-minh-duoi-vo-boc-viet-kieu-hao-hoa-a89734.html