+Aa-
    Zalo

    Vụ xin nhập 37 toa xe đường sắt cũ của Nhật Bản: Bộ GTVT khẳng định quan điểm không ủng hộ

    (ĐS&PL) - Bộ GTVT cho rằng, 37 toa xe Nhật Bản đã chạy 40 năm thuộc diện bị cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ.

    VOV đưa tin, Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khẳng định quan điểm không ủng hộ đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc nhập và khai thác 37 toa xe Nhật Bản đã chạy 40 năm.

    bo gtvt khong ung ho xin nhap khau 37 toa tau cu tu nhat ban dspl
    Loại toa xe tự hành được VNR xin nhập khẩu về sử dụng tại Việt Nam.

    Theo Bộ GTVT, Nghị định số 65 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đường sắt quy định rõ: Đối với đầu máy, toa xe chở khách chạy trên chính tuyến của đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị: Không quá 40 năm.

    Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.

    Chiểu theo các quy định trên, 37 toa xe này vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm, vừa không được phép vận hành khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm.

    Theo báo Lao Động, trước đó, theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)  cho hay, đơn vị này đề xuất cho phép nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành diesel DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản. Các toa xe này được đối tác của VNR là Tổng công ty đường sắt Đông Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao miễn phí nếu có nhu cầu và Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo toa xe.

    Đây là loại toa xe tự hành diesel DMU, loại Kiha 40 và Kiha 48 đều được sản xuất từ năm 1979 - 1982; toa xe có bố trí ghế mềm loại 68 đến 82 chỗ ngồi và 28 đến 34 chỗ đứng; có điều hòa không khí; chạy trên tuyến đường sắt khổ 1.067mm (khổ đường sắt của Việt Nam là 1.000mm); các toa xe này có thể vận hành độc lập hoặc ghép nối thành đoàn xe với các quy mô khác nhau.

    Cho ý kiến về đề xuất này, các Bộ Tư pháp, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Công Thương, Tài Nguyên - Môi trường đều cho rằng, đề xuất của VNR về việc nhập khẩu và khai thác toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản là không đúng với quy định.

    Mặt khác, VNR chưa đánh giá cụ thể, chi tiết về các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

    “Việc nhập khẩu những toa xe sản xuất từ năm 1979-1982 cũng sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

    Theo báo Thanh Niên, hôm 18/11, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng có văn bản nêu việc nhập khẩu 37 toa xe nêu trên là không phù hợp với quy định hiện hành. Tuy vậy, với mong muốn rằng dự án này là hoạt động tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Việt Nam chấp thuận cho phép VNR nhập khẩu 37 toa xe để khai thác vận hành.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-xin-nhap-37-toa-xe-duong-sat-cu-cua-nhat-ban-bo-gtvt-khang-dinh-quan-diem-khong-ung-ho-a520630.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan