+Aa-
    Zalo

    Vụ tài xế Grab cầu cứu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: Có dấu hiệu bất minh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan thuế phản hồi không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của tài xế do Grab nộp thay là có dấu hiệu bất minh.

    Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp tài xế đã bị Grab trừ 3,6% tổng doanh thu khách hàng với mục đích để nộp hộ tiền thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân, nhưng cơ quan thuế lại phản hồi không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế là có dấu hiệu bất minh. 

    Tài xế Grab cầu cứu Tổng Cục thuế

    Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, tài xế Grabcar Nguyễn Văn Hưng (ngụ xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP.HCM) - người kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) bất minh trong việc thu, nộp thuế VAT cho biết, đến thời điểm hiện tại, ông vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Tổng cục thuế.

    Trong khi đó, sau khi ông Hưng gửi đơn xác nhận nộp thuế thu nhập cá nhân lên Cục thuế TP.HCM, đề nghị xác nhận việc đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân trong thời gian hợp tác với Công ty TNHH Grab thì đến ngày 24/6/2019, Cục thuế TP.HCM đã khẳng định “không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của ông Nguyễn Văn Hưng trong tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2018 của Công ty TNHH Grab trong hệ thống cơ quan thuế”.

    Đơn khiếu nại tài xế Grab gửi tới Tổng cục trưởng Tổng cục thuế. Ảnh: NVCC

    Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, PV đã trực tiếp liên hệ với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Tuy nhiên, những người có trách nhiệm đã từ chối nói chuyện khi biết có phóng viên đang liên hệ.

    Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưng, hiện ông vẫn đang chờ thông tin cũng như lịch làm việc tiếp theo từ phía TAND quận 10. Trước đó, ngày 8/1/2019, TAND quận 10 (TP.HCM) đã ra quyết định thụ lý đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Hưng khởi kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam với yêu cầu: Công ty Grab phải kết nối lại tài khoản của ông Hưng trên ứng dụng gọi xe để ông Hưng tiếp tục làm việc bình thường; buộc công ty Grab phải bồi thường khoản thiệt hại cho ông Hưng là 1.250.000đồng/ngày, tạm tính từ ngày Grab khóa tài khoản của ông (15/11/2018) đến ngày 15/12/2018 là 37.500.000 đồng. Số tiền trên được tính cho đến khi kết thúc vụ án; công ty Grab phải cung cấp hóa đơn chứng từ mà công ty đã thu của nam tài xế và đóng tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT là 3,6% trên tổng doanh thu từ tháng 1/2018 đến nay.

    Ông và đại diện phía Grab từng trải qua 2 buổi hòa giải nhưng không đi đến thỏa thuận do công ty không đáp ứng được những yêu cầu ông đưa ra.

    "Tại tòa, Grab không chấp nhận nội dung khởi kiện của tôi và đề nghị tôi lên công ty để giải quyết. Nhưng do phía Grab đơn phương ngắt tài khoản nên phải khôi phục tài khoản của tôi thì tôi mới làm việc", tài xế Hưng cho hay.

    Đáng chú ý, sau khi nam tài xế gửi đơn khởi kiện thì đến ngày 18/6/2019, ông Hưng nhận được chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân kinh doanh do công ty Grab phát hành ngày 12/4/2019.

    "Bản thân tôi thấy cách làm việc của Grab rất sai. Từ tháng 1-12/2018, Grab đều thu tiền thuế của tôi nhưng mãi tới ngày 12/4/2019 thì Grab mới khai báo thuế cho tôi thì đã là sai rồi", ông Hưng bức xúc cho hay.

    Về phía Grab, đơn vị này cho biết, toàn bộ nghĩa vụ thuế bao gồm cả khoản nghĩa vụ thu hộ của đối tác đã và đang được Grab nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo đúng kì thuế phát sinh.

    Cụ thể, theo hướng dẫn tại Công văn 11428/CT-TTHT của Cục thuế TP HCM ngày 23/11/2016, cơ quan thuế đã ủy quyền cho Grab thu hộ, nộp hộ nghĩa vụ thuế cho các đối tác tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng với tỉ lệ tổng cộng là 4,5% doanh thu chia sẻ (trong đó 3% là tỉ lệ thuế VAT, 1,5% là tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân).

    Cục thuế TP.HCM khẳng định “không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của ông Nguyễn Văn Hưng trong tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2018 của Công ty TNHH Grab trong hệ thống cơ quan thuế”. Ảnh: NVCC

    Chứng từ xác nhận nghĩa vụ thuế hàng năm do Grab cung cấp cho đối tác Nguyễn Văn Hưng đã thể hiện rõ việc Grab đã thực hiện kê khai và đóng nghĩa vụ thuế cho đối tác thông qua mã số thuế nộp thay.

    Đối tác Hưng là cá nhân kinh doanh, là thành viên của Hợp tác xã, nên nghĩa vụ thuế sẽ được thực hiện thông qua mã số thuế nộp thay. Dữ liệu nếu cần tra soát cũng cần đối chiếu tại mã số thuế nộp thay này.

    Cũng theo Grab, việc tra cứu nghĩa vụ thuế cá nhân kinh doanh thông qua mã số chính sử dụng cho mục đích tiền công, tiền lương của Grab như cách thức đối tác Nguyễn Văn Hưng đang yêu cầu tra soát, sẽ không thể phản ánh đúng thông tin về người nộp thuế.

    Có dấu hiệu bất minh

    Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường thuộc văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, từ ngày 1/1/2018, Grab Việt Nam thực hiện kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế dựa trên tỷ lệ doanh thu cho các tài xế đối tác GrabBike và GrabExpress với cơ quan thuế.

    Cụ thể, công ty sẽ khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế (gồm 3% thuế Gía trị gia tăng và 1,5% thuế Thu nhập cá nhân) trên 80% doanh thu mà tài xế nhận được, tương ứng 3,6%. Ngoài ra, các khoản phí hỗ trợ từ Grab dành cho tài xế dựa theo thành tích số chuyến xe và doanh thu, Grab sẽ khấu trừ 1%. Còn với các khoản phí hỗ trợ khác không mang tính doanh thu Grab sẽ khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân 10%. 

    Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân thì người nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định. Một trong những thu nhập chịu thuế là Thu nhập từ kinh doanh có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh vận tải; kinh doanh dịch vụ. Luật thuế giá trị gia tăng quy định người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

    Như vậy những cá nhân tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng có nghĩa vụ phải nộp thuế theo quy định pháp luật. Và trường hợp của Grab và đối tác là Grab sẽ có nghĩa vụ thu hộ và nộp hộ thuế cho các đối tác vào ngân sách nhà nước theo đúng kì thuế phát sinh thông qua mã số thuế nộp thay. Cơ quan thuế sẽ ủy quyền cho Grab thu hộ, nộp hộ nghĩa vụ thuế cho các đối tác tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng Grab. 

    Trong trường hợp tài xế đã bị Grab trừ 3,6% tổng doanh thu khách hàng với mục đích để nộp hộ tiền thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân cho đối tác lên cơ quan thuế nhưng cơ quan thuế lại phản hồi không có dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế của tài xế này thì Grab có dấu hiệu bất minh về tiền thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác và phải có nghĩa vụ thực hiện nộp hộ thuế cho đối tác theo đúng quy định. 

    Trong trường hợp Grab cung cấp được chứng từ xác nhận nghĩa vụ thuế hàng năm do Grab đã nộp hộ cho đối tác thông qua mã số thuế nộp thay thì Grab có nghĩa vụ phải liên hệ lại với cơ quan thuế để xác minh, đối chiếu lại dữ liệu, chứng từ và minh bạch kết quả cho đối tác được biết.

    Nhân Văn- Nguyễn Phượng- Phạm Tâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-tai-xe-grab-cau-cuu-tong-cuc-truong-tong-cuc-thue-co-dau-hieu-bat-minh-a286853.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan