(ĐSPL) - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng phải khẩn trương kết thúc các vụ án dư luận đang quan tâm.
Theo tin tức trên báo Lao Động, ngày 20/3, sau khi thảo luận, Đoàn giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS) và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến oan, sai thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT).
Đoàn giám sát đã chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến oan, sai một phần là do trình độ pháp luật và năng lực nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, một số có biểu hiện thành tích, nôn nóng hoặc e ngại việc làm oan chưa điều tra đến cùng, coi trọng lời khai nhận tội mà không chú trọng việc thu thập các chứng cứ khác. Còn có biểu hiện đem “nguyên tắc suy đoán có tội” thay cho “nguyên tắc suy đoán vô tội” từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội và “thà rằng bắt oan còn hơn bỏ lọt”.
Có người còn giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo, đang là tội nhẹ trở thành tội nặng. Trong khi đó, Viện kiểm sát (VKS) lại chưa làm hết trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ các thẩm quyền theo luật định, còn nể nang hoặc phối hợp một chiều với cơ quan điều tra (CQĐT) trong nhận định, đánh giá vụ án. Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên tòa còn mang tính hình thức, chủ yếu nhận thức từ phía người có thẩm quyền tố tụng, coi trọng “án tại hồ sơ”.
Chánh án TAND Tối cao trả lời chất vấn ĐBQH về tình hình oan sai tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban TVQH hôm 13/3. |
|
Theo đoàn giám sát, có nhiều giải pháp phải thực hiện để phòng, ngừa oan sai, trong đó bảo đảm sự phối hợp giữa CQĐT, VKS phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo luật định, tránh phối hợp một chiều, phòng ngừa việc làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; CQĐT tăng cường các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, không để xảy ra các trường hợp tự sát, bị đánh chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam; nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra, thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án hình sự. Chấn chỉnh việc lạm dụng các căn cứ để đình chỉ điều tra để chống bỏ lọt tội phạm và chống làm oan người vô tội.
VKS các cấp tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng truy tố, hạn chế việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết dứt điểm các trường hợp bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh trong kỳ trước tháng 10.2015, các đơn kêu oan, đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình…
Tòa án nâng cao chất lượng xét xử, chấn chỉnh, khắc phục vi phạm trong việc ra bản án, hạn chế thấp nhất các trường hợp án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan. Kiên quyết tuyên vô tội đối với những bị cáo không đủ căn cứ thực hiện hành vi phạm tội, không trả hồ sơ để CQĐT, VKS đình chỉ. Tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại kêu oan, nhất là các bị án có mức hình phạt 20 năm tù, chung thân, tử hình.
Theo báo Tiền Phong: Theo báo cáo giám sát, nguyên nhân chậm bồi thường do các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm, việc lập hồ sơ bồi thường không chặt chẽ, kinh phí cấp bồi thường còn chậm, thủ tục rườm rà, phức tạp… Do đó, Đoàn giám sát kiến nghị sửa đổi một số quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bị oan, việc bồi thường nhanh chóng, kịp thời.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị trong năm 2015, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có liên quan trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền phải giải quyết bồi thường dứt điểm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ ông Phan Văn Lá (Long An), vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác có đơn yêu cầu bồi thường trước ngày 1/1/2015.
Sau 10 năm ngồi tù oan, ông Nguyễn Thanh Chấn (áo kẻ) trở về đoàn tụ với gia đình. |
|
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng kiến nghị các cơ quan tư pháp Trung ương khẩn trương xem xét và có biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật để giải quyết dứt điểm 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang có đơn kêu oan mà dư luận quan tâm, gồm:
Thứ nhất: Vụ án Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình về “Tội giết người” và “tội cướp tài sản” để làm rõ vị trí, vai trò của bị án trong tội giết người.
Thứ hai: Vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về “Tội giết người” và “Tội cướp tài sản” để làm rõ vị trí, vai trò của bị án trong tội giết người.
Thứ ba: Vụ Vi Văn Phương (Bắc Giang) bị kết án tử hình về “Tội giết người” để làm rõ động cơ gây án và loại bỏ những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án, bảo đảm không oan và quyết định hình phạt đúng.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị giao cho Cơ quan điều tra Bộ Công an trực tiếp điều tra tất cả các vụ án mà Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xét xử giám đốc tuyên hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật kết án chung thân hoặc tử hình đối với bị cáo để điều tra lại.
Trong đó khẩn trương kết thúc điều tra để đưa ra truy tố, xét xử lại đối với 3 vụ là: Vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) và vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng).
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng phải khẩn trương kết thúc các vụ án dư luận đang quan tâm. Bên cạnh đó, các cơ quan THTT cần khẩn trương giải quyết bồi thường cho người dân trong vụ án oan, sai.
Truy tố đối tượng giết người khiến ông Chấn bị oan
Gia Huy(Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-ong-chan-boi-thuong-dut-diem-trong-nam-2015-a88115.html