3 bé trong một gia đình ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ
Theo Sức khỏe & Đời sống, gia đình chị Trần Ngọc Phương có 3 bé ngộ độc sau khi ăn bánh mì Cô Băng, đang điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực Chống độc và Phòng Cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Chị Phương chia sẻ, bé lớn nhất năm nay học lớp 7, bé thứ hai học lớp 6 và bé nhỏ nhất mới chỉ học lớp 2. Hiện hai bé lớn đã ổn định hơn nhưng bé nhỏ sức khỏe còn đang rất yếu.
"Tiệm bánh mì Cô Băng rất nổi tiếng, chỉ cần đi từ xa là đã ngửi thấy mùi thơm, bình thường khách mua bánh xếp hàng rất đông. Đã rất lâu rồi tôi chưa mua bánh mì Cô Băng cho mấy con ăn, bữa sáng ngày 30/4, thương con đi học ôn xuyên lễ, lúc đi ngang qua tiệm bánh thấy chỉ có 3 khách đứng mua nên tôi đã tạt vào mua cho 3 bé 3 ổ bánh mì, mỗi ổ 15.000 đồng và yêu cầu thêm thịt", chị Phương kể lại.
Sau khi mua về, chị Phương đã loại bỏ các đồ chua và ớt trong 3 ổ bánh mì cho con. Tới khoảng 10h sáng cùng ngày, khi 3 bé nhà chị đi học về thì chị mang bánh ra cho các con ăn.
Khoảng 3 giờ sau ăn, bé nhỏ nhất bắt đầu xuất hiện tình trạng đau bụng, tiêu lỏng, tới khoảng 17 giờ bé trai lớp 6 bắt đầu đi tiêu lỏng, nôn ói và đến 22 giờ bé gái lớp 7 bắt đầu xuất hiện tình trạng nôn ói, tiêu lỏng. 3 trẻ sốt cao và tiêu chảy và nôn ói liên tục và nói sảng tới sáng.
Sáng ngày 1/5, gia đình quyết định đưa các con nhập Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị.
"Dù sốt cao, sức khỏe không ổn định nhưng 2 bé lớn nhà tôi vẫn rất lo lắng về kì thi sắp tới. Con sốt mắt mở không nổi nhưng vẫn đòi mang theo cặp sách lên Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh để ôn thi. Nhìn con yếu ớt tay cầm sách lên rồi lại rớt xuống khiến tôi rất xót ruột. Khi lên tới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cặp sách của các bé vẫn đang để ở Phòng Cấp cứu để lúc nào tỉnh sẽ học bài vì bây giờ các bạn của con thi hết rồi", chị Phương chia sẻ.
Chị Phương lo lắng rằng, khi hết bệnh, các con không kịp thi sẽ không đủ điều kiện lên để lớp, đây sẽ là cú sốc cho các bé vì các cháu rất mê học.
Học sinh bị ngộ độc sẽ được Sở GD&ĐT đồng hành, tạo điều kiện
Liên quan đến vấn đề lo lắng của phụ huynh và học sinh, ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai phụ trách nội dung chuyên môn thông tin, có gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh; nhiều nhất là học sinh, những ca bị nặng cũng chủ yếu là học sinh.
Về vấn đề kiểm tra Học kỳ 2 mà phụ huynh, học sinh đang lo lắng, ông Thạch cho biết, Sở đã giao về các cơ sở giáo dục chủ động theo dõi, những giới hạn thời gian từ ngày 20/4 – 15/5.
Theo đó, các học sinh đang điều trị tại bệnh viện hay tất các trường hợp khác (không liên quan đến vụ ngộ độc mà có lý do chính đáng) không thể dự kiểm tra lần này cứ yên tâm.
“Khi các em đủ điều kiện sức khỏe để quay lại trường tiếp tục việc học, nhà trường sẽ bố trí ôn tập và để các em kiểm tra sau. Chúc các em nhanh khỏe và sớm quay trở lại trường”, ông Thạch nói.
Phụ trách Y tế học đường – chi sẻ trên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Đỗ Huy Khánh – Phó Giám đốc Sở cho hay, hiện nay, Để tránh trường hợp tương tự có thể xảy ra, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đề nghị thầy cô lãnh đạo, phụ trách các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Sở về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học. Cụ thể, tập trung phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trường học trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong trường học.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý tình trạng bán hàng rong xung quanh trường (giải tán hoặc tăng cường kiểm tra, xử phạt khi phát hiện vi phạm quy định an toàn thực phẩm).
Thường xuyên kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc tổ chức căn tin, bữa ăn bán trú, nội trú của đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho học sinh; nhắc nhở các con/em hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn đường phố, nhất là tại các xe, gánh bán hàng rong để phòng, tránh nguy cơ ngộ độc (hầu hết các xe/gánh hàng rong thuộc diện kinh doanh nhỏ, lẻ, không đăng ký kinh doanh, không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo vệ an toàn thực phẩm, ít đc cơ quan chức năng kiểm tra nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
“Đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì tại TP Long Khánh, Sở đã nắm thông tin và chỉ đạo các trường tiếp tục theo dõi tình hình, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đối với các trường hợp ngộ độc và đang được điều trị”, ông Khánh cho hay.