Hiệp hội Taxi ba miền mong muốn Bộ Công Thương nhanh chóng đưa ra kết luận điều tra vụ Grab mua lại Uber.
Hiệp hội Taxi Hà Nội - TP.HCM - Đà Nẵng mới đây có công văn gửi Bộ Công Thương xem xét về trách nhiệm của Grab và Uber tại Việt Nam.
Theo đó, Hiệp hội Taxi ba miền dẫn chứng, Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore mới đây đã có quyết định xử phạt Grab và Uber với tổng số tiền 9,5 triệu USD tương đương 13 triệu SGD vì thương vụ sáp nhập diễn ra hồi tháng 3 năm nay.
Cụ thể, mức phạt với Uber là 6,58 triệu SGD, trong khi đó, Grab bị phạt 6,42 triệu SGD.
Vụ Grab mua lại Uber: Taxi truyền thống giục Bộ Công Thương sớm ra kết luận. Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã chính thức mở cuộc điều tra thương vụ Grab thâu tóm Uber vào 18/5 vừa qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo Hiệp hội Taxi Ba miền, việc nhanh chóng xác minh xử lý đối với vi phạm các quy định pháp luật của Grab là hết sức cần thiết để đảm bảo ý thức thượng tôn pháp luật và cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước.
"Vì vậy, chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhanh chóng xem xét, xác minh đưa ra kết luận điều tra sớm để có hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh cũng như để điều chỉnh cân bằng hoạt động của thị trường kinh doanh vận tải Việt Nam", Hiệp hội Taxi ba miền nhấn mạnh.
Đến nay vẫn chưa có kết quả điều tra chính thức vụ việc Grab mua lại Uber. Ảnh: Reuters |
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Grab Việt Nam thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Việc Grab thâu tóm toàn bộ Uber khu vực Đông Nam Á đặt ra dấu hỏi về tính pháp lý mua bán - cạnh tranh chiểu theo Luật cạnh tranh.
Ngày 16/4, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ban hành quyết định điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Grab và Uber.
Đến ngày 16/5, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%, có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.
Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004.
Thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
Sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả điều tra chính thức vụ việc Grab mua lại Uber.
Vũ Đậu (T/h)