Liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, kẽ hở lớn nhất là nằm ở việc tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Sai phạm cả hệ thống
Trao đổi về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Kẽ hở lớn nhất nằm ở khâu tổ chức kỳ thi, một kỳ thi quan trọng như THPT Quốc gia lại được tổ chức tại địa phương. Tôi không quan tâm là kỳ thi “2 trong 1” hay là tích hợp bao nhiêu trong 1, nhưng một kỳ thi quan trọng như vậy, khi đã tổ chức ở các địa phương thì chắc chắn sẽ xảy ra những tiêu cực.
Vì sao tôi khẳng định như vậy? Bởi vì, người Việt Nam vốn hay quan tâm hư danh ảo vọng, luôn quan tâm cái nhìn của mọi người đối với bản thân mình còn hơn thực chất. Vì vậy, khi có bất cứ cơ hội nào để thay đổi sự đánh giá của người ngoài về mình thì họ sẽ sẵn sàng tận dụng. Kỳ thi THPT Quốc gia thể hiện một đẳng cấp về học vấn gia đình. Một học sinh thi đỗ một kỳ thi nào đó trong thời gian đi học đã được mọi người hoan nghênh chúc mừng nhưng trong kỳ thi đại học lại được mọi người ngưỡng mộ hơn rất nhiều”.
Bà giải thích: “Người ta có thói quen đánh giá nhau thông qua kỳ thi này. Chính vì thế, kỳ thi này có thể nói là dễ xảy ra tiêu cực nhất trong các kỳ thi, vì người ta dễ thực hiện nhất và vì nó mang lại danh dự cho không chỉ thí sinh mà là cả gia đình.
Nhiều người đã làm những việc gian lận chỉ vì ràng buộc dòng họ, vì những oai danh phù phiếm, không phải ý nghĩa của một tấm bằng đại học, mà là ý nghĩa đối với cả một gia tộc. Nhiều người trong số họ không làm vì quyền lợi chính mình. Họ coi như đó là sự cống hiến, hi sinh cho dòng tộc, cho vinh danh cả họ”.
Gian lận thi cử xảy ra theo dây chuyền. |
Theo TS. Vũ Thu Hương, tiêu cực không phụ thuộc vào kẽ hở ở riêng khâu nào, từ bảo mật đề thi, công tác coi thi, bảo mật bài thi và chấm thi. “Khi người ta có động lực và điều kiện để thực hiện, thì sẽ không phụ thuộc vào kỹ thuật hay vị trí sơ hở. Bất kể một kỹ thuật nào cũng do con người sinh ra, kẽ hở do con người tạo ra được.
Việc phát hiện gian lận có thể rất dễ nhưng cũng sẽ rất khó. Nhiều kỳ thi cũng sử dụng hình thức trắc nghiệm, tô đáp án bằng bút chì những đâu xảy ra gian lận nhiều như thế này? Bộ GD&ĐT tiếp thu những kỹ thuật và phương pháp tiên tiến nhưng lại không đảm bảo được sự minh bạch”, bà khẳng định.
Cụ thể, giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: “Một kỳ thi quan trọng lại đặt ở địa phương là nguy hiểm nhất, những con người có quyền lực tại địa phương có thể tác động trực tiếp và tác động không nhỏ đến những người chấm thi.
Tại địa phương, có mối quan hệ người nhà, quan hệ “dây mơ dễ má” quá nhiều để người ta có thể nghĩ đến những hành động tiêu cực.
TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch hội đồng quản trị trường địa học FPT cũng cho biết thêm: “Nếu các trường đại học quản lý bài thi và thực hiện chấm thi, có thể các sai phạm sẽ không ồ ạt như vừa qua, bởi vì trường đại học vẫn phải chịu áp lực về chất lượng đầu ra, nên phải có chừng mực. Tuy nhiên, với hệ thống phổ thông, chuyện nâng sửa điểm vừa mang lại danh tiếng cho trường, vừa mang lại danh tiếng cho tỉnh, nếu như không bị lộ”.
Những “lô cốt tiêu cực” và sự xử lý chậm trễ
TS. Vũ Thu Hương phân tích những khâu có thể tồn tại kẽ hở lớn: “Tất cả các khâu đều có thể xảy ra gian lận. Tuy nhiên, gian nan nhất sẽ nằm ở khâu cuối cùng, đó là chấm thi.
Nếu làm trong khâu coi thi, sẽ nguy hiểm hơn, chẳng khác nào “phơi mặt giữa bàn dân thiên hạ”, dễ “tai vách mạch rừng”, bởi trong phòng thi còn có rất nhiều thí sinh, nếu trực tiếp tuồn đáp án thì rất dễ bị tố cáo trên mạng xã hội, trong tình thế hiện nay.
Bên cạnh đó, khâu coi thi còn có trách nhiệm thanh tra của các giảng viên đại học. Là người đứng lớp giảng dạy, các giảng viên ĐH sẽ rất khổ sở nếu phải tiếp nhận những sinh viên yếu kém. Chính vì vậy, họ sẽ làm việc trách nhiệm và tận tâm nhất. Đối phó với các giảng viên đại học, các cán bộ địa phương đã từng gom tất cả giảng viên lại để coi thi chỉ trong một khu, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tuy nhiên việc đó cũng không nhiều, bởi việc này khiến các giảng viên rất bức xúc với những chuyện này, và nói lên tiếng nói. Vì vậy, cũng sẽ hạn chế tiêu cực hơn.
Khâu quan trọng nhất đó là niêm phong bài thi, bảo quản và chấm thi, ít người phát hiện sai phạm nhất. Bởi vì, khi ấy, bài thi của các thí sinh chỉ có các cán bộ quản lý mới có thể tiếp cận, nếu sai phạm xảy ra trong khâu này thì sẽ khó phát hiện nhất.
Ở đây, có hai cách có thể áp dụng, thứ nhất, sửa nội dung trực tiếp trên bài thi theo đáp án đúng rồi chấm điểm, thứ hai là nhập điểm vào máy tính chênh so với điểm thực tế, giống như việc vào điểm sai có thể là 0 nhưng vào điểm là 9. Đây là khâu an toàn nhất đối với những người muốn nâng điểm cho thí sinh, ít người phát hiện được nhất”.
Theo TS. Vũ Thu Hương, khâu chấm thi là "nhức nhối" nhất. |
“Những người phát hiện sai phạm ở khâu này rất mơ hồ, chủ yếu phân tích và đánh giá trên sự mâu thuẫn về điểm thi giữa các địa phương, giữa các trường. Đề thi khó, thí sinh tại Hà Nội lại không có được điểm cao mà các địa phương khác lại có điểm cao ồ ạt là một mâu thuẫn mà có thể nhận ra được.
Tuy nhiên, nếu năm nay, tiếp tục có sai phạm, nhưng chỉ làm ở mức lưng chừng, thay vì nâng gần hơn 20 điểm, người ta ranh ma hơn chỉ nâng 5, 6 điểm thì rất khó phát hiện”, bà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, TS. Lê Trường Tùng cũng khẳng định: “Khâu chấm thi có thể kéo cả một dây chuyền tiêu cực, có thể có rất nhiều người thông đồng với nhau trong bộ máy chấm thi.
Về động lực, địa phương nào cũng muốn tỉnh mình có điểm thi cao, nên sửa. Nếu sửa trực tiếp vào bài thi trước khi chấm, thì khi chấm thẩm định cũng sẽ không thể phát hiện ra và khôi phục được điểm thực của thí sinh đó.
Đối với những thí sinh không làm được bài mà điểm cao chót vót thì chắc chắn dính đến gian lận, trực tiếp phải chịu trách nhiệm”.
“Trước mắt, cần xử lý những người “bán điểm”, điều tra, khai thác từ những người “bán điểm” để tìm ra bằng chứng người “mua điểm” và xử lý thật nghiêm để ngăn chặn những gian lận tương tự trong các kỳ thi sắp tới. Vụ việc đã bị phát giác và kéo dài hơn nửa năm vẫn chưa được xử lý xác đáng, nếu tiếp tục như vậy, có thể dẫn đến “chìm xuồng” và không thể bít được các lỗ hổng lớn trong giáo dục”, ông nhấn mạnh.
Theo Người Đưa Tin