Những bê bối trong các kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đang khiến dư luận hoang mang về tính minh bạch, công bằng của bộ GD&ĐT, lo lắng về những kẽ hở để những bàn tay luồn lách, tác động, tạo ra những sai phạm nghiêm trọng.
“Kẽ hở” ở mọi khâu, bệnh nhỏ hóa... "khối u"
Các kỳ thi THPT Quốc gia với những sai phạm nghiêm trọng được bắt đầu từ những “kẽ hở” và những bàn tay luồn qua “kẽ hở”, đổi trắng thay đen các kết quả.
Trước thực trạng này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Theo tôi, vấn đề cơ bản nhất hiện nay chính là việc đổi mới liên tục cách tổ chức thi THPT Quốc gia, mà không dựa trên cơ sở khoa học, không điều tra đánh giá, không thử nghiệm.
Bộ đã đưa ra nhiều thay đổi qua từng năm, nhưng kiểu nào cũng để lọt những tiêu cực, những tiêu cực đó ban đầu chỉ là những căn bệnh nhẹ cần phải chữa trị, nhưng theo thời gian, cộng dồn lại những căn bệnh ấy kết lại, càng ngày càng nặng, trở thành một khối u lớn. Đến năm 2018, khối u ấy bục ra, nhưng lại ngại phanh phui ra. Nếu không phanh phui thì bệnh nhân sẽ chết. Người thực hiện phẫu thuật là bộ Công an, trong khi đó, bộ GD&ĐT vẫn đang “ậm ừ” chưa quyết liệt.
Các khe hở đó luôn luôn xảy ra. Theo tôi, năm 2019 chắc chắn vẫn có khe hở, bởi vì Bộ không thể lường hết mọi vấn đề có thể xảy ra”.
Ông cho rằng: “Bên cạnh đó, cần phải xem lại đạo đức nhà giáo, từ đội ngũ những người ra đề, người coi thi đến người chấm thi… Nếu đạo đức kém thì có “chạy đằng trời” cũng không thoát được tiêu cực.
TS. Phạm Ngọc Thạch khẳng định mọi khâu đều có thể xảy ra gian lận. |
Tôi ví dụ, nếu họ không có tư tưởng tiêu cực thì không thể có sự mua bằng, bán điểm. Nếu người quản lý giáo dục thật chặt chẽ, làm thật tốt, thì dù xã hội có tác động, làm bậy đến đâu cũng không thể tạo ra sai phạm. Vì vậy, không thể trách các ngành khác mà trước tiên phải trách chính nội bộ ngành giáo dục”.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, gian lận thi cử các năm qua là một chuỗi liên hoàn, khâu nào cũng có vấn đề. Bởi, dường như khâu nào cũng có thể đưa đồng tiền len lỏi vào. Với tình hình hiện nay, vấn đề thị trường hóa, thương mại hóa giáo dục quá mạnh mẽ, khiến những tiêu cực được “lót tay” xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Tôi không nghĩ cách tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2019, với tư duy của bộ GD&ĐT hiện giờ sẽ là “phương thuốc thánh” để chữa những tiêu cực tương tự các kỳ thi trước. Kẽ hở xuất hiện từ suy nghĩ, từ cách quản lý, tổ chức của bộ GD&ĐT, vì vậy, không thể đổ lỗi cho bên ngoài”, ông nhấn mạnh.
TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng đại học Hà Nội phân tích: “Đứng trong ngành giáo dục, chúng tôi phản đối hoàn toàn những gian lận trong các kỳ thi. Tất cả các khâu đều có thể xảy ra gian lận, nếu người phụ trách đã cố tình gian lận thì khâu nào cũng có thể có những “lỗ hổng”.
Từ khâu ra đề, có thể để lộ đề thi, đến khâu coi thi; việc coi thi tại địa phương rất dễ tiếp tay cho những sai phạm; khâu chấm thi lại càng dễ hành động, sửa điểm ít người biết, đặc biệt, nếu sửa bài thi trước rồi mới chấm thì lại càng ít người phát hiện”.
“Vì vậy, từ đầu đến cuối phải làm thật chặt chẽ thì mới mang lại hiệu quả. Những động thái trong thời gian vừa qua cũng sẽ khiến nhiều cán bộ phải dè chừng và không dám tiếp tục gây ra sai phạm. Mặc dù kỳ thi sắp tới cũng đưa ra những giải pháp khắc phục, được siết chặt hơn nhưng khó có thể đảm bảo chắc chắn 100%, vì đó là yếu tố con người, mọi hành động đều có thể diễn ra rất linh hoạt”, TS. Phạm Ngọc Thạch khẳng định.
Mạnh tay phá “ổ dịch”
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Nhiều năm qua, chuyện thi cử đã có nhiều tiêu cực. Muốn biết tiêu cực xuất phát từ đâu, sau mỗi cuộc thi, chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá lại, tìm ra những kẽ hở, nguyên nhân để khắc phục kịp thời. Chứ nếu thấy năm nay có sơ hở, sang năm tiếp tục đổi ngoặt sang xây dựng cái mới mà không có sự thử nghiệm thì sẽ dẫn đến ngày càng nhiều sai lầm, ngày càng nhiều kẽ hở để lợi dụng nhiều hơn.
Làm giáo dục cũng như trong kỹ thuật, muốn đưa vào áp dụng bất cứ điều gì mới thì cần có thực nghiệm. Không thể dự báo và tính toán hết các thông số rủi ro, phải có thử nghiệm, làm như thế này sẽ bộc lộ sơ hở gì để ngăn chặn ngay. Nhưng bộ GD&ĐT đang quá “nóng ruột”, cứ năm nay không đạt là sang năm chuyển đổi ngay cái mới. Sự nóng vội như vậy, cái sai cũ chưa kịp khắc phục thì đã mắc thêm sai lầm mới”.
GS.TS Phạm Tất Dong gợi ý mạnh tay phá "ổ dịch". |
Theo ông, đã đến lúc, đặt ra vấn đề, có nhất thiết phải tổ chức thi THPT Quốc gia không, nếu kỳ thi chỉ mang tính hình thức như vậy, cứ thi nhưng chất lượng không được chính xác, đỗ nhiều dù chất lượng bài thi không đạt.
GS.TS Phạm Tất Dong phân tích: “Học xong lớp 12, thí sinh chỉ đi thi với các kiến thức phổ thông chứ không phải kiến thức chuyên môn của nhân lực lao động. Nếu mạnh dạn lược bỏ cuộc thi này để không còn tiêu cực nâng điểm, khi kỳ thi THPT Quốc gia không còn là nơi cạnh tranh nữa, mà có thêm thật nhiều môi trường để đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, không nhất thiết phải chen chân tranh đua vào cánh cổng trường đại học, có thể sẽ chẳng còn gian lận.
Có nghĩa là, hãy mạnh tay tìm cách loại đi một ổ dịch, quá tốn kém như kỳ thi này. Thực tế, chưa bao giờ bộ GD&ĐT dám tổ chức thi THPT Quốc gia mà chỉ lấy dưới 80% đỗ vào các trường bậc đại học, vậy hỏi tại sao chất lượng không kém? Do cứ cố gắng nhồi nhét cho đủ chỉ tiêu”.
Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng khẳng định: “Đổi mới nội dung phải song song với đổi mới phương pháp, càng hiện đại càng tránh được tiêu cực. Ví dụ, nếu tổ chức thi hoàn toàn trên máy tính, chấm ngay trên máy, sẽ đỡ kẽ hở. Con đường học tập phải mở rộng, để những người trượt đại học vẫn có thể đi học theo con đường riêng để có tương lai”.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh: “Hệ thống giáo dục phải mở chứ không thể đóng kín như hiện nay. Có thể cho bất kỳ ai cần học, không tính trình độ đầu vào, chỉ cần hoàn thành đủ tín chỉ một cách thành công là có thể tốt nghiệp và có bằng, có chứng chỉ, như vậy sẽ giảm áp lực kỳ thi đầu vào, gian lận sẽ biến mất.
Trong khi cả nước cứ hô hào thời đại kỹ thuật số, xã hội số, kinh tế số,… nhưng giáo dục lại không số.
Tôi lấy ví dụ trong các kỳ thi, rất kỳ thị dùng máy tính để thực hiện. Đáng lẽ, phải ra đề thi nào mà thí sinh không dùng phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin không làm được. Bởi vì, khi ra thực tế cuộc sống, làm việc, phải vận dụng mọi kiến thức, kỹ năng khoa học để tìm ra lời giải chính xác và nhanh nhất. Phải để cho học sinh làm quen với việc này mới ứng dụng và giỏi được”.
Cẩm Mịch
Theo Người Đưa Tin