Theo nhận định của luật sư, việc cụ ông có đến 5 chứng minh nhân dân, 7 căn cước công dân là điều bất thường, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ.
12 chứng minh thư của cụ ông 77 tuổi. Ảnh: Dân Trí |
Vụ việc một cụ ông ăn xin ở TP.HCM có đến 12 chứng minh thư, trong đó có 5 chứng minh nhân dân cùng số và 7 căn cước công dân, đang gây xôn xao dư luận.
Đặc biệt, trao đổi với báo chí, lãnh đạo phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết: Bước đầu kiểm tra 12 chứng minh thư của cụ ông này cho thấy, đây đều là chứng minh thư thật, sinh năm 1943, có cùng một địa chỉ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sự Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, với sự việc trên thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là một cá nhân lại có nhiều chứng minh nhân dân và căn cước công dân như vậy?
Đây là một sự việc không bình thường. Bởi lẽ về nguyên tắc mỗi cá nhân chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân (CMND).
Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục cấp đổi, cấp lại nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên số CMND đã cấp.
Việc cấp, đổi, cấp lại CMND được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/1999/TT-BCA (C13) ngày 29/4/1999 của Bộ công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân.
Từ năm 2016 thì chúng ta bắt đầu cấp phát, sử dụng căn cước công dân là hình thức mới của chứng minh nhân dân.
Theo Luật Căn cước công dân 2016 thì Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân chỉ được đổi, cấp lại khi thuộc các trường hợp quy định.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư chính pháp. |
Cụ thể Điều 23 Luật căn cước công dân 2016 quy định Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây: Thuộc các độ tuổi đổi thẻ (khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân; Khi công dân có yêu cầu.
Đối với trường hợp đổi thẻ này thì thẻ Căn cước công dân đã sử dụng sẽ bị thu lại theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật này. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây: Bị mất thẻ Căn cước công dân; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Như vậy công dân có quyền được đổi, cấp lại thẻ trong những trường hợp nhất định và việc này được thực hiện đúng trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
Luật căn cước công dân 2016 nghiêm cấm hành vi cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.
Trong khi đó các giấy tờ của cụ ông ăn xin nêu trên, cơ quan chức năng xác định là thật, cùng có tên, thông tin và địa chỉ của cụ ông này.
Do đó cơ quan chức năng cần làm rõ tại sao cụ ông lại được cấp nhiều CMND, CCCD như vậy, động cơ và mục đích sử dụng những giấy tờ này là gì? nếu cấp sai thì phải thu hồi, hủy bỏ.
Nếu cụ ông sử dụng những giấy CMND, CCCD này để thực hiện các hành vi trái pháp luật khác thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi của cụ ông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng trao đổi về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định, vụ việc ông ăn xin bị phát hiện trong người có đến 5 chứng minh nhân dân và 7 căn cước công dân là điều bất thường.
"Trường hợp nếu dùng chúng để thực hiện hành vi trái pháp luật bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản người khác từ 2 triệu đồng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Lừa đào chiếm tài sản theo Điều 174 BLHS.
Trường hợp cụ ông lợi dụng chính sách pháp luật cấp lại thẻ Căn cước dùng vào việc sinh hoạt thì đó là hành vi gian dối trong việc kê khai để cấp lại thẻ Căn cước trái quy định của pháp luật.
Hành vi của cụ ông đã vi phạm điểm a, khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội,…với mức xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp chứng minh nhân dân”
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn Phòng luật sư Nguyễn Anh. |
Ngoài ra, cụ ông còn phải bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm là các chứng minh nhân dân và thẻ căn cước đã cấp...", luật sư Thơm phân tích thêm.
Thông tin về sự việc, ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM cho biết sáng 17/4, UBND phường 4 khi đi tuần tra, kiểm soát người lang thang trên địa bàn phường đã phát hiện một cụ ông thường trú phường 2, quận Tân Bình đi ăn xin. Theo đó, danh tính cụ ông được xác định là Đ.V.Đ (sinh năm 1943). Tại thời điểm được đưa về phường, trong người ông Đ. có hơn 54 triệu đồng, 5 giấy chứng minh nhân dân có số giống nhau, 7 căn cước công dân có số giống nhau, 1 sổ hộ khẩu và 4 thẻ bảo hiểm y tế. Tất cả thông tin về tên, nơi sinh, nguyên quán và nơi đăng kí hộ khẩu thường trú trên các loại giấy tờ trên đều giống nhau, cụ thể, đều mang tên ông Đ., năm sinh 1943, nguyên quán An Giang và có hộ khẩu thường trú tại phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Bước đầu kiểm tra những chứng minh thư này cho thấy đều là chứng minh thư thật. Ông Đ. cho biết, ông đã đi xin tiền được 6 tháng và mỗi ngày ông xin được khoảng 500.000 đồng. Số tiền hơn 54 triệu đồng trong người là do ông Đ. tích cóp sau 3 tháng. Được đưa về trụ sở UBND phường, ông Đ. cam kết sẽ không đi xin tiền ngoài đường trong thời gian tới. Vấn đề 5 giấy chứng minh nhân dân và 7 căn cước công dân đều mang tên ông Đ.V.Đ. đang được cơ quan chức năng làm rõ. |
Thủy Tiên