Sau khi sự việc người lao động tố bị môi giới lừa đảo xuất khẩu lao động tại Malaysia được cơ quan chức năng Việt Nam nhận đơn tố cáo, thêm nhiều nạn nhân đã bắt đầu lên tiếng.
Sau khi báo ĐS&PL đăng tải bài viết "Vụ chủ nhóm từ thiện bị tố lừa đảo XKLĐ Malaysia: Cơ quan chức năng vào cuộc", phóng viên đã nhận thêm được một số đơn thư tố cáo và cầu cứu từ những người lao động từng sang Malaysia qua dịch vụ của bà Đào Thị Thanh.
Chị L., 34 tuổi, cho biết quyết định tin tưởng chọn bà Thanh do những lời quảng cáo về dịch vụ “free visa” hay còn gọi là “visa tự do” nhưng khi nhận được giấy tờ mới biết đó là visa xây dựng. Ngoài số tiền hơn 60 triệu đồng đã đưa cho bà Thanh, những chi phí khác ở Malaysia chị đều phải tự chi trả.
Visa được cấp cho chị L. là loai visa xây dựng, không phải "visa tự do" - Ảnh: NVCC |
“Cộng các khoản lại, tôi đã chi khoảng 90 triệu”. Tuy nhiên, chị L. cho biết không dám lên tiếng vì sợ bị bà Thanh làm khó dễ công việc bên này, cũng lo lắng sẽ bị trục xuất, không thể kiếm tiền trả nợ.
Một trường hợp khác là anh T.C.H ở Thái Bình, từng đóng cho bà Thanh hơn 50 triệu đồng để làm “visa xây dựng tự do”. Bà Thanh cam kết có loại visa này nhưng đến ngày nhận, anh H. sửng sốt khi biết visa của mình thuộc về một công ty nông nghiệp.
"Thắc mắc với bà Thanh, tôi bị người này mắng xối xả, không quên đe dọa “anh đừng làm em nóng. Không thì em sẽ cancel cái hộ chiếu của anh”, a H. kể. Do sợ hãi lại không quen biết ai nơi đất khách, anh H đành giữ im lặng.
Tâm sự với PV ĐS&PL, anh H. bùi ngùi: “Giờ tôi không biết làm thế nào. Về Việt Nam thì mất trắng những ngày làm ở đây, lại còn 2 đứa con nhỏ với bố mẹ già ở quê. Mà ở đây thì không có giấy tờ, nhiều lúc chủ "xù" tiền lương cũng không dám đòi”.
Giấy nộp 40 triệu cho bà Thanh của anh H. tại ngân hàng AgriBank - Ảnh: NVCC |
Hiện nay, phóng viên vẫn tiếp tục nhận được nhiều đơn thư tố cáo, phần lớn bức xúc, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ dấu hiệu lừa đảo có tổ chức trong một thời gian dài của bà Thanh.
Ở diễn biến liên quan, chị Lý Thị Hợp, người đang đứng đơn tố cáo bà Đào Thị Thanh và ông Nguyễn Trung Hiếu lừa đảo xuất khẩu lao động sang Malaysia còn cho biết vụ việc của mình có liên quan đến một nhân viên khác của công ty Cổ phần xây dựng và phát triển nhân lực Trí Đức.
Theo bà Hợp, đó là một người đàn ông tên Dũng – tự nhận là phó giám đốc công ty Trí Đức, từng mời đoàn 5 người lao động của chị một bữa cơm chia tay vào ngày 2/7 và báo giá 3.000 USD cho việc sang Malaysia lao động.
Ngoài ra, một nhân chứng giấu tên cho biết từng thỏa thuận với ông Dũng việc sang Malaysia và đã chuyển khoản đặt cọc 10 triệu đồng trước đó kèm bằng chứng sao kê.
Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Lê Văn Sơn – trưởng phòng phụ trách nhân sự công ty Trí Đức xác nhận có nhân viên tên Bàn Văn Dũng, 36 tuổi, chịu trách nhiệm tuyển dụng lao động chứ không phải Phó giám đốc công ty.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Hợp, 43 tuổi, trú tại Lâu Thượng, Thái Nguyên lên tiếng tố cáo bị 2 môi giới là bà Đào Thị Thanh và ông Nguyễn Trung Hiếu - nhân viên của công ty Trí Đức lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 60 triệu đồng và bỏ rơi chị tại Malaysia hơn 3 tuần. Sau khi được cộng đồng người Việt tại đây quyên góp và trở về Việt Nam, chị Hợp đã làm đơn tố giác gửi tới công an quận Nam Từ Liêm và VKSND Hà Nội để làm sáng tỏ sự việc. Hiện nay, cơ quan chức năng đã tiếp nhận đơn thư của gia đình chị Hợp và đang đang trong quá trình xác minh, giải quyết vụ việc. Bà Đào Thị Thanh (Facebook Minh Thanh) thường xuyên đăng tải các quảng cáo về "visa tự do" và hoạt động từ thiện, đồng thời tự nhận là trưởng phòng đối ngoại của công ty Trí Đức. Tuy nhiên, phía công ty đã bác bỏ thông tin này. Ông Nguyễn Trung Hiếu được xác nhận là "nhân viên thử việc" tại công ty Trí Đức. Ngày 17/8, phía công ty có thông báo đã sa thải ông Hiếu do phát hiện sai phạm liên quan đến vụ việc của chị Hợp. |
Xuân Đoàn - Thu Phương