+Aa-
    Zalo

    Chủ nhóm từ thiện bị tố lừa đảo gần 60 triệu đồng, bỏ rơi người phụ nữ nghèo tại Malaysia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cộng đồng người Việt tại Malaysia hiện đang xôn xao về câu chuyện chủ một nhóm từ thiện trong nước bị tố lừa đảo người xuất khẩu lao động, chiếm đoạt gần 60 triệu đồng.

    Cộng đồng người Việt tại Malaysia hiện đang xôn xao về câu chuyện chủ một nhóm từ thiện trong nước bị tố có hành vi lừa đảo người xuất khẩu lao động, chiếm đoạt gần 60 triệu đồng của một phụ nữ nghèo dân tộc Nùng.

    “…24 ngày không một hạt cơm…”

    Ngày 7/8, trao đổi với PV ĐS&PL, chị Lý Thị H. (43 tuổi, ở Lâu Thượng, Thái Nguyên) vẫn chưa hết bàng hoàng và phẫn nộ khi kể lại quãng thời gian bơ vơ tại Malaysia khi bị công ty lao động tại đây từ chối do không đủ điều kiện sức khỏe.

    Chị H. nói: “24 ngày trời ở Malaysia, tôi không còn một xu trong túi, không một hạt cơm trong bụng, không chỗ ở nhưng gọi điện cho phía môi giới thì không một ai nghe máy…”.

    Câu chuyện bắt đầu từ khi chị H. có mong muốn sang Malaysia lao động và tìm được một tài khoản Facebook M.T đăng quảng cáo về dịch vụ hấp dẫn này. Qua liên lạc, chị H. được mời đến công ty xuất khẩu lao động T.Đ có trụ sở ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để nghe tư vấn, nộp hồ sơ và làm các thủ tục liên quan.

    Do thấy chị M.T là chủ một nhóm từ thiện và công ty T.Đ có văn phòng đàng hoàng nên tôi rất an tâm, nào ngờ...”, chị H cho biết. Cùng với 4 người khác, ngày 2/7, chị H. đã tin tưởng nộp số tiền 57 triệu đồng cho anh N.T.H nhưng không hề nhận được hợp đồng hay hóa đơn thu tiền hợp lệ. Một phiếu thu không có tên công ty hay dấu đỏ, không ghi số tiền cụ thể nhưng lại được lập lờ ghi dòng chữ "đã nộp đủ tiền, hoàn thiện tài chính để xuất cảnh ngày 3/7".

    Trong quãng thời gian chờ sang Malaysia, chị H. có vài lần thắc mắc về hóa đơn chứng từ nhưng anh T.H lờ đi. Sau khi sang Malaysia và không được công ty nhận vào làm việc, chị H. bơ vơ nơi đất khách suốt hơn 3 tuần mới được cộng đồng người Việt tại đây quyên góp tiền mua vé trở về Việt Nam vào ngày 27/7. Do không có hợp đồng thỏa thuận, chị H. không thể đòi bất cứ quyền lợi nào từ phía môi giới.

    2 phiếu nhận tiền viết tay chị H. nhận được từ phía môi giới không có dấu đỏ xác nhận hay tên công ty cụ thể - Ảnh: NVCC

    Chị H. ngậm ngùi tâm sự: “Với nhà nông như tôi, số tiền hàng chục triệu đồng ấy không phải là nhỏ. Giờ gia đình tan nát, tôi mắc nợ với bên vay nặng lãi, công việc bấp bênh, không biết phải làm thế nào. Giờ tôi đã rao bán nhà, bán đất để trả nợ cho người ta. Tôi dân tộc Nùng ở trên núi, nghe người ta nói sao chỉ biết làm theo”.

    Đặc biệt, theo chị H., bệnh viện Thăng Long từng chứng nhận chị H. không đủ điều kiện sức khỏe để xuất khẩu lao động nhưng phía môi giới lại mách chị đổi hộ chiếu mới để có thể sang Malaysia, bất chấp khả năng rất cao công ty nước ngoài sẽ từ chối tuyển dụng.

    Phía môi giới đùn đẩy trách nhiệm

    Sau khi sự việc vỡ lở và được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, PV ĐS&PL đã tìm cách liên lạc với 2 người môi giới nhận tiền của chị H. để làm rõ thêm thông tin. Tuy nhiên, 2 người này lại đưa ra nhiều lời phân trần trái ngược và đổ trách nhiệm cho người còn lại.

    Điều đáng nói, họ đều khẳng định đây là một thỏa thuận riêng “giúp đỡ” những người muốn lao động ở nước ngoài thay vì dịch vụ của công ty T.Đ như quảng cáo ban đầu nên không có hợp đồng hay hóa đơn.

    Trước đó, trên tài khoản Facebook M.T thường xuyên đăng tải các nội dung quảng cáo về một thứ được gọi là "Free visa" hay còn gọi là "visa tự do", cho phép người lao động được cầm hộ chiếu và "tự đi tìm việc".

    Tuy nhiên, theo Cục Lao động Nhập cư Malaysia, không có bất cứ loại visa tự do nào như vậy. Mọi lao động nước ngoài đều phải được bảo lãnh bởi một công ty nội địa Malaysia và chỉ có thể làm việc cho duy nhất công ty này trong thời gian ở đây.

    Khi PV thắc mắc về nội dung đã đăng tải trên Facebook, người này cũng khẳng định không có loại visa như vậy, "có lẽ do mọi người hiểu lầm" và tránh nhắc đến những bài viết đã đăng tải.

    Những quảng cáo về loại "visa tự do" cho người lao động được làm đủ mọi ngành nghề trên tài khoản Facebook M.T nhưng theo Cục Lao động nhập cư Malaysia, hiện nay không có bất cứ loại visa nào như vậy - Ảnh: Facebook

    Với câu hỏi tại sao là một thỏa thuận riêng nhưng mọi thủ tục đều được thực hiện tại văn phòng công ty T.Đ, người này giải thích rằng “bạn bè đến văn phòng nói chuyện riêng bình thường thôi mà”.

    Hiện nay, bà M.T cho biết đang giữ vị trí đại diện cho công ty T.Đ ở Malaysia và là chủ một nhóm từ thiện có tiếng tại đây. Còn ông N.T.H, ngược lại, một mực khẳng định M.T mới là người thực hiện thủ tục còn bản thân chỉ nhận nhiệm vụ thu tiền và hồ sơ, đưa đón người lao động.

    Còn bà M.T – người đang bị tố cáo có âm mưu lừa đảo, khẳng định chỉ là người đứng ra “giúp đỡ”, không liên quan hay biết đến việc nhận tiền hay bỏ rơi lao động người Việt.

    Ban đầu, bà M.T cho biết sẵn sàng cung cấp bằng chứng bản thân vô can và mong muốn hợp tác với phóng viên để minh oan trước dư luận nhưng khi phóng viên đặt lịch hẹn, thậm chí gặp gỡ ngay tại Malaysia nhưng người này lại đòi hỏi những điều kiện không thể thực hiện nhằm tránh mặt. Ví dụ, bà M.T yêu cầu cả người lao động cũng phải có mặt để "đối chất".

    Đến nay, phía gia đình chị H. đã gửi đơn kiện và tới một văn phòng luật sư tại Hà Nội nhờ giúp đỡ.

    Người lao động cần cảnh giác

    Không ngạc nhiên khi sự việc này thu hút được chú ý rất lớn từ cộng đồng người Việt tại Malaysia bởi thời gian gần đây, số lượng các nạn nhân của những dịch vụ môi giới thiếu trách nhiệm và lừa đảo ngày càng tăng. Lợi dụng tâm lý mong muốn tăng thu nhập, kém hiểu biết về pháp luật và không thạo ngôn ngữ của người lao động, nhiều môi giới đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

    Tâm sự với PV ĐS&PL, một nạn nhân từng bị chiếm đoạt số tiền hơn 70 triệu đồng của dịch vụ môi giới từ năm 2017 ngậm ngùi: “Em không biết tiếng của họ, cũng không có tiền để thưa kiện. Vả lại, lúc nộp tiền đâu có giấy thu hay bằng chứng gì nên có kiện cũng thua thôi”.

    Luật sư Low Kah Joo – người từng xử lý nhiều trường hợp liên quan tới lao động Việt tại Malaysia cho biết: “Hầu hết họ đều không biết đến các loại văn bản như hợp đồng hay phiếu thu tiền để đòi quyền lợi, chỉ biết phụ thuộc vào phía môi giới. Đây là 2 văn bản rất quan trọng người lao động nào cũng phải có để bảo vệ bản thân. Bởi, bên cạnh những công ty môi giới thực sự có uy tín, vẫn còn những kẻ lừa đảo, muốn trục lợi trên nỗi khổ của người nhèo".

    Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng về vụ việc và sẽ tiếp tục thông tin.

    Thu Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-nhom-tu-thien-bi-to-lua-dao-gan-60-trieu-dong-bo-roi-nguoi-phu-nu-ngheo-tai-malaysia-a239264.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan