(ĐSPL) - Theo số liệu thống kê mới nhất của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong năm 2013, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính gần 23 ngàn tỷ đồng và chuyển 4 vụ việc sang cơ quan điều tra, 1 vụ sang cơ quan thanh tra.
Sau khi các con số này được thông báo, nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định, đây là con “số đẹp” và thể hiện sự tích cực, nghiêm túc của KTNN trong hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, khi nhìn lại những “đại án” tham nhũng trong năm qua, đặc biệt là vụ “siêu lừa” Huyền Như (hơn 4.000 tỷ đồng), nhiều người cũng chẳng thế vui được. Trong khi KTNN khẳng định, việc phát hiện ra sai phạm là rất khó thì không ít người đặt câu hỏi, trong tương lai liệu có còn vụ án kinh tế “khủng” nào “lọt khe”?
Kiểm toán viên có “tài thánh” cũng không phát hiện ra?!
Theo ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng vụ Tổng hợp, KTNN, kết luận 150/151 cuộc kiểm toán năm 2013, KTNN kiến nghị xử lý tài chính trên 22.778 tỷ đồng. Trong đó tăng thu 4.014,4 tỷ đồng, giảm chi gần 5.291 tỷ đồng; nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thuế 2.587,5 tỷ đồng. Các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách Nhà nước tăng 9.817,5 tỷ đồng và kiến nghị xử lý tài chính khác gần 1.068 tỷ đồng.
Nếu như năm 2012, KTNN chỉ kiến nghị xử lý tài chính khoảng 14.000 tỷ đồng thì năm 2013 con số này đã lên tới trên 22.778 tỷ đồng, tăng 8.000 tỷ đồng, bằng khoảng 157\% so với năm 2012 và gấp khoảng 2 lần bình quân các năm trước đây.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN cho biết: Trước đây, bình quân chỉ có 70\% kết luận, kiến nghị của KTNN được các cơ quan, đơn vị chấp hành. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, con số trên đã thay đổi theo hướng tích cực khi có 80-90\%, thậm chí là 100\% đơn vị chấp hành. Như vậy, đồng nghĩa với việc, các bản kết luận, kiến nghị của KTNN hàng năm là tương đối chính xác.
Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước. |
Tuy nhiên, khi báo giới đặt câu hỏi về “đại án” của Huyền Như, lừa đảo trên 4.000 tỷ đồng nhiều năm trời nhưng KTNN không phát hiện ra được, ông Khái lại cho rằng, có không ít vụ việc, kiểm toán viên có là “tài thánh” cũng chẳng thể phát hiện ra. “Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu, ở đâu cũng có kẻ lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước... Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm toán viên luôn luôn cố gắng hết sức để phát hiện ra những sai phạm, vi phạm. Tuy nhiên, để phát hiện ra những sai phạm đó cũng rất khó”, ông Khái chia sẻ.
Trước đây, trong bản báo cáo kết quả giám sát “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ” của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã từng nhắc đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán trong việc bỏ lọt các vụ việc sai phạm lớn. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến các “đại án” bị bỏ lọt một phần do trách nhiệm, kỷ luật công vụ đối với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên chưa rõ ràng, cụ thể và còn bị buông lỏng trong tổ chức thực hiện.
Thực tế cho thấy, tại một số bộ, ngành, địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp công ích, tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhưng lại không phát hiện được tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, sau đó báo chí, cơ quan điều tra lại phát hiện ra như trường hợp Vinashine, Vinalines. Mặc dù vậy, các đoàn thanh tra, kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán lại không bị xem xét trách nhiệm và không phải chịu trách nhiệm về việc thanh tra, kiểm toán nhiều nhưng không phát hiện ra tham nhũng.
Động thái mạnh “lòi” ra những khuất tất
Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, đại biểu QH Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu quan điểm, vì vai trò của mình, kiểm toán cần nghiêm túc trong hoạt động, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có sai phạm. Kiểm toán là một trong những bộ phận đảm bảo an toàn cho nền kinh tế.
Chính vì thế, việc kiểm toán đối với những lĩnh vực quốc doanh là một việc làm vô cùng cần thiết. Bởi trước đây, lĩnh vực này chúng ta rất ít đi vào và quản lý còn những điều chưa nghiêm túc. Song khi làm việc, KTNN cần phát huy vai trò minh bạch, công khai hiệu quả trong hoạt động kinh tế và cũng là để bảo đảm luật pháp.
Đại biểu QH Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Bàn về việc trong năm 2013, KTNN đã chuyển một số vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ông Kiêm cho rằng, bất luận là đơn vị nào, tổng công ty Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân khi có sai phạm đều phải xử lý.
Kiểm toán phải đảm bảo hai mục tiêu. Thứ nhất, nếu đơn vị nào hoạt động không đúng nguyên tắc thì cơ quan kiểm toán sẽ góp ý hoặc xuất toán, thu hồi... Thứ hai, nếu đơn vị đó có dấu hiệu hình sự, lừa đảo hoặc biển thủ thì phải đưa sang cơ quan điều tra để xác minh, đưa ra xét xử trước pháp luật.
Những năm trước, kiểm toán trong lĩnh vực Nhà nước chưa được làm nhiều và nghiêm túc. Chính vì thế nên năm qua, khi KTNN có động thái mạnh lập tức “lòi” ra nhiều vụ việc khuất tất. Cũng theo ông Kiêm, khi chuyển dịch sang cơ chế thị trường, tất cả những giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với doanh nghiệp phải đảm bảo độ an toàn.
Kiểm toán tốt sẽ đảm bảo tính nghiêm minh và tạo nên lòng tin. Chẳng hạn, đối với một doanh nghiệp, trong kinh doanh, đã tham gia thị trường chứng khoán phải có tài chính rõ ràng. Lúc đó, người dân sẽ căn cứ vào kết quả kiểm toán của doanh nghiệp đó làm căn cứ để hành động. Chính vì thế, nếu kiểm toán làm không đúng thì phải có cơ chế phạt cơ quan này vì đã cung cấp thông tin không đúng.
Bài học đắt giá
Nhìn nhận vào thực tế, thời gian qua, KTNN bỏ lọt một số vụ tham nhũng lớn, ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định, đây là một bài học đắt giá cho ngành kiểm toán. Tuy nhiên, vì cũng là những bước đầu, trình độ, kỹ thuật có thể có những áp lực nên khi làm việc, KTNN phát hiện không hết, bỏ lọt sai phạm và đôi khi lại phát hiện không đúng “nội dung cần phát hiện”.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Ths. Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Kiểm toán là hoạt động giám sát, kiểm tra bình thường đối với doanh nghiệp nói chung. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, ngay từ luật Doanh nghiệp năm 2003 đã có chính sách, hàng năm doanh nghiệp phải được kiểm toán. Đó có thể là cơ quan kiểm toán độc lập, hoặc kiểm toán Nhà nước.
“Theo tôi được biết, hàng năm có khoảng 20-30 tập đoàn hoặc tổng công ty thuộc đối tượng kiểm tra của KTNN. Thực tế sau khi làm việc, KTNN đều có kết luận và công bố xử lý sai phạm. Như vậy có thể thấy, không phải bây giờ chúng ta mới quan tâm đến kiểm toán đối với doanh nghiệp Nhà nước. Có điều, trong bối cảnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, có lẽ hoạt động này được quan tâm hơn”, ông Trung chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, kiểm toán và các biện pháp kiểm tra, thanh tra khác cũng là một mặt giúp chủ sở hữu Nhà nước quản lý tốt hơn. Mặt khác, từ đó các doanh nghiệp Nhà nước cũng tự nhận ra những sai sót yếu kém của mình để khắc phục sửa đổi. Kiểm toán cũng sẽ động đến việc thoái vốn của các doanh nghiệp quốc doanh. Thoái vốn ngoài ngành thuộc lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào lĩnh vực chính của mình đồng thời sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác, thành phần kinh tế khác đầu tư vào đó.
Kiến nghị xử lý tài chính năm 2014 sẽ “phá kỷ lục” năm 2013?
Ông Đào Văn Dũng cho rằng, trong năm 2014, theo kế hoạch, KTNN thực hiện kiểm toán 185 cuộc, tăng 34 cuộc so với năm 2013. Trong đó có 14 bộ ngành, cơ quan Trung ương, 35 tỉnh thành phố, 35 dự án đầu tư, 41 doanh nghiệp và Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà TP.HCM (không kể 5 công ty cho thuê tài chính trực thuộc Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank)… Vì thế, kiến nghị xử lý về tài chính nhiều khả năng sẽ “phá kỷ lục” của năm 2013.
Mời độc giả xem thêm Clip: Dự toán ngân sách nhà nước 2014
Văn Chương - Phạm Hạnh