(ĐSPL) - Mới đây, TAND TP Hải Phòng mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “giật mũ”. Có thể nói đây là phiên toà khiến dư luận đặc biệt quan tâm, thậm chí bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã ký văn bản gửi chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, đề nghị chỉ đạo nghiên cứu, xem xét, xử lý vụ: “giật hai chiếc mũ, bốn học sinh bị phạt tù”.
P/V báo Đời Sống và Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia pháp lý để cùng mổ xẻ vấn đề trên.
Bản án phải thấu tình đạt lý
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “cướp giật hai chiếc mũ” không chỉ gây bất ngờ cho người trong cuộc mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người dân ở các xã lân cận thuộc huyện Tiên Lãng đã bỏ cả công việc để tham dự phiên tòa.
Theo cáo trạng, ngày 23/9/2013, Vũ Văn Thành, (SN 1995) xã Đông Hưng; Nguyễn Bá Thịnh, SN 1997 (xã Tây Hưng) rủ Vũ Thanh Hùng, SN 1996 (xã Đông Hưng) và Vũ Văn Lộc, SN 1996 (xã Bắc Hưng, cùng huyện Tiên Lãng TP Hải Phòng), đi cướp giật mũ, nón của học sinh để về sử dụng.
Thành điều khiển xe môtô BKS 16N3-9446 chở Thịnh ngồi ở võng xe, Hùng, Lộc ngồi trên yên xe. Khi đến khu vực xã Tiên Thắng, phát hiện em Trịnh Thu Hà, SN 1998 (khu 6, Tiên Thắng, Tiên Lãng) đi xe đạp phía trước có đội một chiếc mũ vải màu trắng, Thành cho xe máy áp sát xe đạp, tay trái điều khiển xe, tay phải giật mũ của em Hà rồi bỏ chạy và đưa cho Lộc đội chiếc mũ này. Khi đi đến đoạn đường thuộc thôn 11 xã Tiên Thắng, Thành phát hiện em Vũ Thị Ngọc Anh, SN 1996 (ở khu 11, xã Tiên Thắng, Tiên Lãng) đi xe đạp phía trước đội một chiếc nón lá, Thành đã giật nón của em Anh rồi bỏ chạy.
|
Đứa trẻ này đã trở thành tội phạm chỉ vì tham gia giật 2 chiếc mũ của bạn gái. |
Ngày 27/9/2013, 4 đối tượng nói trên đến Công an huyện Tiên Lãng đầu thú, giao nộp mũ vải và nón lá trên cùng xe môtô BKS 16N-09446 là phương tiện gây án. Tại bản kết luận số 16/BB-ĐG ngày 25/10/2013, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tiên Lãng kết luận: “1 mũ vải màu trắng đã qua sử dụng có giá 30.000 đồng; 1 nón làm bằng lá cọ, màu vàng nhạt, quai nón màu hồng đã qua sử dụng có giá 30.000 đồng”.
Với những chứng cứ trên, cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lãng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng “cướp mũ”. Ngày 18/2/2014, Viện KSND huyện truy tố Thành, Thịnh, Hùng và Lộc về tội Cướp giật tài sản. Tại phiên xét xử sơ thẩm, ngày 3/4, TAND huyện Tiên Lãng tuyên Vũ Văn Thành 36 tháng tù; Nguyễn Bá Thịnh 22 tháng tù; còn Vũ Văn Lộc và Vũ Thanh Hùng cùng mức án 18 tháng tù. Sau phiên sơ thẩm, 3 bị cáo Thịnh, Lộc, Hùng viết đơn kháng cáo; riêng bị cáo Vũ Văn Thành đang chịu án phạt 36 tháng tù đang bị giam giữ tại một trại giam ở trong Thanh Hóa, không kháng cáo.
Xét xử phúc thẩm, hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Bá Thịnh và Vũ Văn Lộc cho hưởng án treo. Riêng đối với bị cáo Vũ Thanh Hùng, giữ ngyên án sơ thẩm.
Sau khi phiên tòa kết thúc, có nhiều ý kiến của luật sự, chuyên gia pháp lý, tâm lý đã đưa ra bình luật với nhiều góc độ. Tuy nhiên, các ý kiến đều có một quan điểm chung là: Những bản án nói chung và bản án dành cho bốn đối tượng “cướp giật hai chiếc mũ” nói riêng đều phải thấu tình đạt lý. Đặc biệt là đối với những bị cáo vị thành niên thì bản án còn nhằm mục đích giáo dục răn đe người phạm tội. Trong trường hợp trên TAND TP Hải Phòng truy tố về tội danh là đúng, nhưng đưa ra mức án là quá nặng và có phần cứng nhắc, thiên về trừng trị hơn là răn đe giáo dục.
Khung hình phạt là quá nặng hay cứng nhắc
Có lẽ vì sự phức tạp của vụ án, mà bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã ký văn bản gửi Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC: Đề nghị chỉ đạo nghiên cứu, xem xét, xử lý vụ: “giật hai chiếc mũ, bốn học sinh bị phạt tù”.
Trao đổi với Luật sư Phạm Xuân Anh, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang được biết: Theo quy định của pháp luật, tội cướp giật là tội cấu thành hình thức, do đó VKSND huyện Tiên Lãng Hải Phòng truy tố bốn đối tượng trên về tội cướp giật là thỏa đáng, không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, về khung hình phạt đối với các bị cáo, theo quan điểm của tôi là quá nặng và quá cứng nhắc. Vì các bị cáo đang ở độ tuổi vị thành niên, nhận thức còn nông nổi, hậu quả mà các bị cáo gây ra không lớn, (trừ bị cáo Vũ Văn Thành) nên cần áp dụng hình phạt không tước tự do hoặc áp dụng các biện pháp tư pháp khác mà vẫn đảm bảo tính răn đe, Luật sư Xuân Anh cho biết.
Pháp luật là răn đe, nhưng cần phải có đức trị Tại hội thảo sửa đổi bổ sung BLHS, P/V báo Đời sống và Pháp luật đã có dịp phỏng vấn Trung tướng Trần Văn Độ, Chánh án tòa án quân sự Trung ương, Phó chánh án TANDTC, liên quan tới bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, ông Độ cho biết: “Pháp luật phải có tính răn đe, nhưng răn đe phải đi đôi với giáo dục tình thương. Có những hành vi mức độ không gây nguy hiểm cho xã hội, có thể không cần truy cứu trách nhiệm hình sự, vẫn đảm bảo pháp chế và ngăn ngừa tội phạm. Bằng các hình thức như cho hưởng án treo, hình phạt không tước tự do, làm cho con người cảm thấy tình yêu thương của xã hội vẫn dành cho họ, họ sẽ cải tạo tốt hơn. Ví như con cái hư hỏng thay vì chúng ta đẩy nó ra ngoài đường, hãy yêu thương nó, để nó có nhận thức tốt lên xuất phát từ tình yêu thương mà cha mẹ dành cho chúng”. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-an-cuop-mu-hinh-phat-qua-nang-hay-cung-nhac-a43526.html