Trong số 6 người phải nhập viện do ngộ độc nấm ở Hòa Bình, hiện tại có 1 người đã tử vong, 4 người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 1 người còn lại đang được theo dõi ở Bệnh viện Bạch Mai.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, 4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đều có sức khỏe tiến triển tốt, tất cả đã ăn uống trở lại bình thường. Trong khi đó, bệnh nhân bị nặng hơn được điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tỉnh táo, có thể tiếp xúc được, tình trạng bắt đầu có xu hướng cải thiện.
Bệnh nhân H.C.L (44 tuổi, trú tại xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) kể, mọi người rủ nhau nấu cơm chung sau buổi đi làm trên rừng. Trong quá trình tìm cây rừng về nấu ăn, họ phát hiện một đám nấm mọc dưới đất nên lấy về ăn.
"Nấm có màu trắng tinh và cây béo tốt nên chúng tôi nghĩ ăn được. Khi mang về tôi còn hỏi ý kiến những người trong nhà thì đều bảo không có độc nên lấy nấm nấu món canh", anh L. cho hay.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 22/2, đơn vị tiếp nhận điều trị 4 bệnh nhân từ Trung tâm Y tế huyện Mai Châu chuyển đến.
Tuy sức khỏe đã ổn định hơn nhưng các bệnh nhân vẫn có các triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy, đau đầu, mệt mỏi, cơ thể mất nước và mất điện giải. Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan – thận – đông máu và các xét nghiệm cận lâm sàng khác vẫn trong giới hạn cho phép.
“Hiện vẫn đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh, người bệnh có thể thay đổi bất ngờ theo chiều hướng xấu đi, đặc biệt là tình trạng suy đa phủ tạng. Đơn vị vẫn đang điều trị, chăm sóc, theo dõi sát sao.
Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân sẽ được hội chẩn để chuyển lên tuyến Trung ương điều trị”, báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời bác sĩ Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Liên quan đến sự việc, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, các nạn nhân bị ngộ độc do ăn nấm chứa độc tố amatoxin. Đây là chất cực độc, thường gây chết người do viêm gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan, trường hợp nặng có thể gây tổn thương đa cơ quan.
Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ) theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, người bệnh buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.
Trong giai đoạn 2, các biểu hiện diễn ra âm thầm, lúc này bệnh nhân và bác sĩ dễ hiểu nhầm là nạn nhân đã khỏi (có thể chủ quan xin ra viện). Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau, người bệnh bị ngộ độc sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với biểu hiện tổn thương và suy tạng.
Sau đó, bệnh nhân sẽ mê sảng, hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong.
Đáng lưu ý, biểu hiện ngộ độc luôn xuất hiện rất muộn quá 6 giờ sau khi ăn, khi này nấm độc đã qua dạ dày xuống sâu tận ruột non và độc tố đang được hấp thu. Lúc đó, bệnh nhân nôn và bác sĩ rửa dạ dày cũng không có tác dụng.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, mùa xuân là mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc. Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%).
Ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn, theo thông tin trên VietNamNet.
Người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt loại lành hay có độc. Nếu không may ăn phải nấm nghi độc, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Đinh Kim(T/h)