Cuộc hôn nhân của đôi nam nữ người K’ho chỉ được cộng đồng cũng như hệ thống thần linh của dân tộc này công nhận sau khi họ đã tổ chức đám cưới nhỏ, đám cưới lớn. Tuy nhiên, để đến được với nhau, các cặp đôi phải trải qua những luật tục mà có thể nó sẽ trở thành vòng xoáy nợ nần đến chết cũng chưa trả xong. Trong tâm trí người K’ho, tục thách cưới từng tồn tại như một chướng ngại vật khó vượt qua trên con đường kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi.
Một đám cưới của người họ Lạch |
Sau 2 đám cưới mới thành vợ, thành chồng
Mùa cưới, người dân tộc K’ho Lạch tại Lâm Đồng vẫn kể với nhau về những luật tục trong việc hôn nhân của mình như một bài học cho việc kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi thật không dễ dàng. Các bậc cao niên tại thôn Ka Long (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vẫn nhớ như in những đôi vợ chồng đến chết vẫn là con nợ, bởi, họ là nạn nhân của hủ tục thách cưới của dân tộc mình.
Bà Ka Nhìm (60 tuổi, ngụ thôn Ka Long) cho biết: "Văn hóa hôn nhân của người dân địa phương khá đa dạng. Tuy nhiên, trước khi nói đến tục thách cưới phải nhắc đến tục đám cưới lớn, đám cưới nhỏ. Sau hai đám cưới này, cặp trai gái K’ho yêu nhau mới thành vợ, thành chồng".
Cũng theo bà Ka Nhìm, trước đám cưới mang tính quyết định, nhà gái buộc phải tổ chức lễ cưới nhỏ. Đây được xem như bước đầu xác lập mối quan hệ vợ chồng của đôi trai gái. Trong đám cưới nhỏ, nhà gái cũng tổ chức tiệc, mời bà con, họ tộc đến tham dự và trao lễ vật cho nhà trai. Sau đám cưới này, nhà gái sẽ đưa rể về nhà mình. Từ đây, đôi vợ chồng trẻ sẽ về sống với nhau chung một nhà, sinh con, làm ăn.
Tuy nhiên, họ chưa được cộng đồng dân tộc mình chấp nhận là vợ chồng bởi chưa làm đám cưới lớn. Bà Ka Nhìm nhấn mạnh, không một gia đình nào, hoặc một cặp đôi nào có thể bỏ qua đám cưới lớn. "Trong mọi trường hợp, thậm chí, trước khi nhắm mắt xuôi tay, gia đình nhà gái, vợ chồng cũng phải thực hiện cho được mục đích cao cả này. Không có nó, người con trai và người con gái cưới nhau không được bà con công nhận, không được thần linh công nhận", bà Nhìm nói thêm.
Theo tìm hiểu của PV, đám cưới lớn gần như ảnh hưởng xuyên suốt đến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Theo đó, vợ chồng nào chưa làm đám cưới lớn thì coi như vẫn còn nợ nần. Sau này, khi hai vợ chồng nhắm mắt xuôi tay, tang lễ cũng làm nhiều thủ tục rườm rà hơn người khác. Đám tang sẽ phải làm khác so với người đã làm đám cưới lớn.
Cụ thể, nếu người chồng mất đi mà vẫn chưa làm đám cưới lớn thì nhà gái cũng phải làm trâu, mổ heo để làm lễ trả cho nhà trai. Vì chưa làm đám cưới lớn nghĩa là nhà gái chưa có những ứng xử đúng phong tục, tập quán đối với nhà trai, cũng chưa được thần linh công nhận.
Hệ lụy từ tục thách cưới
Hiện nay, trong tâm trí nhiều gia đình K’ho tại huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) vẫn tồn tại nỗi sợ tục thách cưới hết sức hà khắc từ xa xưa. Luật tục này một thời đã trở thành rào cản hạnh phúc thậm chí là vòng xoáy nợ nần mà hết đời vẫn không thể thoát của nhiều lứa đôi. Già làng K’Tiếu cho biết, trước đây, người dân địa phương còn duy trì tục thách cưới rất nặng nề. Chính vì tục lệ này đã khiến nhiều gia đình có con gái khánh kiệt, kinh tế bị ảnh hưởng thậm chí suy kiệt.
Chia sẻ về luật tục này, già làng K’Tiếu cho biết, sau khi người con gái "ưng bụng" một người con trai nào đó, cô gái sẽ nhờ người cậu thay cho ông mối đến nhà trai thưa chuyện. Hành động này được gọi là lễ thăm nhà. Khi làm lễ thăm nhà, nhà gái mang theo một chiếc còng và một chiếc nhòong (một loại vòng bằng bạc- PV). Nếu được nhà trai đồng ý, nhà gái sẽ trao còng, vòng tiến tới lễ hỏi. Tuy nhiên, nếu nhà trai từ chối họ sẽ trả lại cho nhà gái một tấm ui (tấm thổ cẩm dài rất quý –PV) và một ít tiền.
Sau khi lễ trao vòng thuận lợi, hai bên gia đình sẽ tiếp tục đi đến lễ hỏi. Đây được xem là giai đoạn khó khăn, quyết định cho sự thành bại của cuộc hôn nhân. Trong đám hỏi, hai bên sẽ thảo luận với nhau về các lễ vật trong đám cưới. "Đây cũng là lúc nhà trai đưa ra lời thách cưới cho nhà gái nên các cuộc tranh luận, thảo luận vào giai đoạn này đôi khi cũng có sự căng thẳng khi hai bên không đạt được sự đồng thuận. Do đó, có khi đám hỏi kéo dài cả tháng, nhiều khi việc thỏa thuận lễ vật giữa hai nhà không thành công, đám cưới có thể bị hủy", già làng K’Tiếu nói.
Theo người dân địa phương, tùy vào cuộc thương thảo giữa đôi bên gia đình, lễ vật thách cưới của nhà trai đơn giản nhất có thể một con trâu vì công sinh thành cùng với 2-3 bộ khăn cho mẹ đẻ và chị em gái chàng rể cùng một bộ quần áo đàn ông cho bố đẻ. Tuy nhiên, ngày trước, thông thường, nhà trai thách cưới rất cao bằng các hiện vật như vàng, bạc, chiêng, ché, trâu, bò, ngựa, dê... Điều này khiến nhà gái điêu đứng. Nếu muốn con gái mình thành cặp thành đôi với con trai nhà thách cưới, cha mẹ cô gái phải chấp nhận trở thành con nợ.
Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, giờ đây, thay vì trâu, lợn, gà, rượu, ché, tấm vải dệt,... ngày nay, lễ vật của nhà gái với nhà trai trong cưới xin đã là tiền, vàng và đất đai với trị giá cao hơn nhiều. Số tiền thách cưới tùy từng vùng, từ 15-20 triệu đồng ở huyện Bảo Lâm hay 30-40 triệu đồng ở huyện Di Linh. Điều này một thời trở thành nỗi sợ cho cả gia đình nhà gái lẫn hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ. Không ít cặp vợ chồng đã trở thành con nợ trường kỳ vì không thể trả nổi những yêu cầu của nhà trai khi thách cưới.
Mặc dù họ vẫn chung sống với nhau, sinh con đẻ cái nhưng vẫn phải làm lụng để có tiền bạc trả nợ cho ngày trở thành vợ chồng. Các già làng người K’ho tại tỉnh Lâm Đồng đều khẳng định, luật tục thách cưới thực sự biến nhiều gia đình bỗng dưng khánh kiệt khi cưới chồng cho con gái. Bản thân những cặp vợ chồng trẻ cũng bị hủ tục này phá vỡ hạnh phúc. Tuy nhiên, theo thời gian, luật tục này sẽ sớm được cộng đồng người K’ho nhận thấy những bất cập và loại bỏ để phù hợp với lối sống văn minh, hiện đại.
Ông Đinh Duy Truyền, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh cho biết: "Trước đây, cộng đồng người dân tộc K’ho tại địa phương vẫn lưu giữ những hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của người dân đã được nâng cao. Cùng với đó, chính quyền địa phương từng bước tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để sống văn minh, lành mạnh hơn. Tuy nhiên, đối với các phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc là văn hóa đặc trưng của người đồng bào K’ho, địa phương vẫn vừa bảo tồn vừa phát huy".
Hà Nguyễn - Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp Luật số 109