“Cả 8 tháng nay vợ mang con biến mất, tôi không làm cách nào gặp được cô ấy nên mới buộc phải dùng đến cách cầm bảng có nội dung đòi gặp con đứng ngoài đường”, người chồng chia sẻ.
Những ngày gần đây, trên các diễn đàn mạng chia sẻ hình ảnh người đàn ông đứng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cầm theo tấm bảng với nội dung: “Đề nghị chị Trần Thị Hải Vân hãy cho tôi được gặp và chăm sóc hai con. Chị không có quyền ngăn cấm và chia rẽ tình cảm cha con tôi”.
Vợ bỗng dưng biến mất, 8 tháng chưa gặp con
Người cầm bảng đòi gặp con là anh Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, Q.12, TP.HCM). Sự việc xảy ra vào ngày 20/7 ở sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, chỉ vừa đứng được khoảng 15 phút thì anh Thành bị lực lượng an ninh sân bay mời đi chỗ khác.
Anh Nguyễn Văn Thành đứng ở sân bay với yêu cầu được gặp con. |
Qua lời kể, anh Thành cho biết mình và vợ là chị Trần Thị Hải Vân (33 tuổi) kết hôn từ năm 2001. Hai vợ chồng có hai người con. “Giữa hai vợ chồng không còn tình cảm với nhau nữa nên đầu năm 2014 thì được tòa án chấp thuận cho ly dị. Tuy nhiên, cả hai đã thỏa thuận sẽ vẫn ở chung với nhau để tránh cho con cái bị tổn thương”, anh Thành cho biết.
Dù vậy, quyết định cuối cùng của tòa án là quyền nuôi hai con thuộc về chị Vân. Sau khi ly dị, hai người sống chung cùng một mái nhà được khoảng 1 năm thì đến tháng 1/2015, chị Vân mang theo hai con biến mất. Người chồng nhớ lại: “Hôm ấy, sau khi tôi đón vợ con về nhà thì cô ấy dẫn hai bé đi ăn tối. Thấy lâu không về, tôi gọi lại thì vợ không nghe máy, cuộc gọi tiếp theo thì không còn liên lạc được”.
Những ngày sau, anh Thành cố liên lạc với vợ bằng cách hỏi bên gia đình vợ nhưng từ em trai, em gái đến bố mẹ vợ đều không biết chị Vân đi đâu. Anh kể: “Tôi có hỏi người thân chị Vân nhiều lần nhưng họ đều không rõ. Bố mẹ vợ thì nói đây là chuyện riêng của vợ chồng nên tự giải quyết, không xen vào. Có khi tôi gọi thì họ không nghe máy nên có buông những lời nói không hay với họ đằng gái”.
Cả 8 tháng nay, anh Thành chưa được gặp con. |
Người chồng tiếp tục lên sân bay, nơi vợ cũ làm việc để tìm nhưng được chị trưởng phòng cho biết là đã nghỉ việc. Anh cũng lên trường cũ, nơi chị Vân rút hồ sơ để nhập học trường mới cho hai bé thì cũng không có thêm manh mối. Dù vậy, anh tin rằng chị Vân vẫn làm ở chỗ cũ nên có những lần người chồng cố gắng chờ ngay bãi giữ xe và đỉnh điểm là buộc phải cầm bảng đòi con đứng ở sân bay. Anh cũng cố tìm tung tích vợ con qua bạn bè Vân nhưng họ đều không biết.
“Cả 8 tháng không gặp con cái, người cha nào chẳng thương nhớ. Nhiều người bảo tôi làm vậy ở sân bay là không nên nhưng đặt vào hoàn cảnh cha con xa mặt cách lòng mới hiểu được”, anh Thành phân trần.
Anh cũng lên Gia Lai và cầm bảng này trước công an, VKSND tỉnh. |
Và ở nhà bố mẹ vợ. |
Ngoài ra, trước đó anh cũng cầm bảng như trên đứng trước đường phố ở TP.Pleiku (Gia Lai), Công an, Viện KSND tỉnh Gia Lai và trước cửa nhà bố mẹ vợ ở TP.Pleiku. Anh giải thích: “Trước Tết, tôi lên nhà ba mẹ vợ thì họ đóng cửa đi đâu mất một thời gian. Sau đó, tôi cũng tìm về nhà họ thêm 3 lần nữa nhưng đều thấy khóa cửa. Và lần gần nhất, tôi buộc phải cầm bảng thì ba mẹ vợ mới chịu gặp tôi”.
“Tôi có xin lỗi vì có những lần vì bức xúc mà nói lời không phải và bày tỏ nguyện vọng được gặp gỡ con cái. Tuy nhiên, hai ông bà đều vẫn nói không biết Vân và hai cháu ở đâu”, anh Thành chia sẻ.
“Một ngày nào đó, Vân sẽ tự tìm về”
Liên hệ với em gái, em trai Vân (đều ở TP.HCM) thì hai người đều từ chối cung cấp thông tin và cúp máy khi bàn đến chuyện này. Bà Trương Thị Bé (mẹ vợ anh Thành) cho biết: “Trước Tết, con gái tôi có xin phép nhà là nghỉ việc và đi xa một thời gian và đổi số điện thoại. Ban đầu, tôi cũng góp ý Vân không nên mang hai cháu đi như vậy. Nhưng nó không nghe, bảo bố mẹ để yên cho nó tự giải quyết việc này. Tôi nghĩ, cả hai vợ chồng đều trưởng thành hết rồi nên cũng không xen vô làm gì”.
Theo bà Bé, từ khi đổi số điện thoại thì gia đình bà cũng không biết Vân đi đâu. “Nó chỉ nói là khi thấy cần thiết sẽ tự liên hệ lại, cả mấy tháng nay tôi có gặp con gái đâu. Nhưng theo tôi thì người chồng phải tệ lắm thì vợ mới đành lòng mang con đi biệt tích như vậy chứ”, bà Bé chia sẻ.
Ông Trần Văn Minh (bố chị Vân) cho rằng, việc cầm bảng khắp đường phố của anh Thành là điều không nên. |
Tương tự, ông Trần Văn Minh (ba chị Vân) cũng cho rằng, đây là việc riêng của hai vợ chồng tự giải quyết với nhau. “Con rể có những lời nói hỗn với tôi. Hồi Tết thì hai vợ chồng tôi bận về quê nên không có nhà. Rồi việc Thành cầm bảng đứng khắp đường từ Sài Gòn đến Pleiku rêu rao như vậy không hay chút nào. Nó cứ sống tốt đi, một ngày nào đó cái Vân sẽ tự tìm về thôi”.
Anh Thành thừa nhận bản thân cũng vài lần nói lời không hay mà xúc phạm đến gia đình bên vợ và đôi khi hay nhậu nhẹt: “Dù tòa quyết định cô ấy có quyền nuôi con nhưng không thể ngăn cản tình cảm cha con như vậy được. Tôi vẫn không hiểu vì điều gì mà vô ấy lại mang con đi biệt tích như vậy”.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM -Văn phòng luật sư Thạch Thảo) cho biết: “Với quyết định của tòa án thì chị Vân là người được tòa án giao cho quyền được nuôi dưỡng và chăm sóc 2 đứa con đến năm các cháu đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, điều đó lại không đồng nghĩa với việc chị Vân được quyền mang hai con đi mà không cho cha của các cháu được quyền thăm nom. Bởi vì, theo quy định của điều 82 luật Hôn nhân gia đình, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Còn nếu như trong quá trình chị Vân nuôi con mà người chồng đã có những hành vi lợi dụng việc thăm nom đó để cố tình quấy rối, cản trở việc chăm sóc con thì chị có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. |
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm video:
[mecloud]bvVAxL7lPS[/mecloud]