Báo cáo tài chính riêng năm 2022 đã kiểm toán của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 36.608 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Trừ đi giá vốn hàng bán 32.591 tỷ đồng, VNPT đạt lợi nhuận gộp ở mức 4.017 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt ở mức 12,2 tỷ đồng và 2.903 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng vọt hơn 7 lần, lên mức 178 tỷ đồng. Mức tăng đột biến này đến từ việc VNPT đã trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư 127,8 tỷ đồng; đồng thời lỗ chênh lệch tỷ giá 51 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí, VNPT báo lãi sau thuế cả năm ở mức 4.143 tỷ đồng, giảm 17 tỷ đồng so với năm 2021. Tại ngày 31/12/2022, quy mô tổng tài sản của VNPT là 87.569 tỷ đồng.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 3.459 tỷ đồng. Hạng mục đầu tư tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp này ghi nhận giá trị hơn 40.769 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Theo thuyết minh, đây là khoản tiền gửi của VNPT tại các ngân hàng với kỳ hạn gốc từ 4 đến 12 tháng.
Với hơn 40.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, VNPT thu về hơn 2.181 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2022, tăng 28% so với năm ngoái. Ngoài ra, khoản cổ tức, lợi nhuận được chia hơn 959 tỷ đồng; lãi chênh lệch tỷ giá 10,1 tỷ đồng cũng được ghi nhận trong cơ cấu doanh thu hoạt động tài chính của VNPT.
Kết thúc năm 2022, VNPT đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, đơn vị khác,…với tổng mức đầu tư hơn 6.961 tỷ đồng. Doanh nghiệp này nắm giữ gần 121 triệu cổ phiếu của Ngân hàng MSB, với giá gốc hơn 579 tỷ đồng và giá trị hợp lý đã tăng lên mức 1.512 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2022). Trong quá khứ, VNPT đã nhiều lần muốn thoái vốn khỏi MSB tuy nhiên đều không thành công.
Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, VNPT đặt mục tiêu công ty mẹ thu về 39.485 tỷ đồng, tăng 7,8% so với thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ước tính giảm 53,8% xuống 2.229 tỷ đồng.
PV