Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (mã HVN-HOSE) giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh quý IV/2023 so với cùng kỳ năm trước và lộ trình khắc phục chứng khoán bị kiểm soát.
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Vietnam Airlines cho biết lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý IV/2023 giảm so với quý IV/2022 chủ yếu do giảm lỗ sau thuế TNDN quý IV/2023 của Pacific Airlines, Công ty mẹ và các công ty khác (NCS, VACS...) có lãi hơn so với quý IV/2022.
Trong Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty mẹ, tổng doanh thu và thu nhập khác quý IV/2023 tăng 24,18% so với quý IV/2022 chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 28,71%, tương đương tăng hơn 3.952 tỷ đồng do thị trường phục hồi và sản lượng vận chuyển gia tăng (doanh thu nội địa tăng 14,0%, doanh thu quốc tế tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước).
Tổng chi phí quý IV/2023 tăng 20,54% so với quý IV/2022 chủ yếu do tăng chi phí giá vốn (tăng tương ứng với tăng sản lượng). Tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của quý IV/2023 nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến lỗ sau thuế giảm hơn 125 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong Báo cáo kết quả kinh doanh lũy kế cả năm 2023, lỗ sau thuế của công ty mẹ là 4.798 tỷ đồng, giảm 45% tương đương giảm lỗ 4.054 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; lỗ hợp nhất là 5.517 tỷ đồng, giảm 51% tương đương giảm lỗ 5.706 tỷ đồng.
Tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ cả năm 2023 tăng 38% tương đương tăng hơn 19.544 tỷ đồng và hợp nhất tăng 30% tương đương 21.380 tỷ đồng so với năm 2022. Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ năm 2023 đạt 2.087 tỷ đồng; lãi gộp của hợp nhất đạt 3.939 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, đây là kết quả khả quan của Tổng công ty trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19 và trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.
Về việc giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng HVN bị kiểm soát: HVN cho biết Tổng công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty giai đoạn 2022-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đề án, năm 2024 Tổng Công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu họp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền, thông tin trên tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Trước đó, từ quý I/2022, cổ phiếu của Vietnam Airlines bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu.
Từ ngày 12/7/2023, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022.
Ngày 16/12/2023, Vietnam Airlines tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Theo đó, kết thúc năm 2022, tổng doanh thu Vietnam Airlines đạt 750.214 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất là 71.775 tỷ đồng, số lỗ trước thuế của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là -8.841 tỷ đồng và -10.945 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ và hợp nhất tại thời điểm 31/12/2022 ước tính lần lượt là -3.579 tỷ đồng và -11.056 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26/12/2023. Dù vậy, 2,2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét, theo báo Người lao động.
Vân Anh (T/h)