Việt Hoàn từng lên sân khấu với chiếc quần được may từ vải lót kiện hàng. Vừa hát, anh vừa loay hoay chọn dáng đứng để những miếng vá trên chiếc quần không bị lộ ra trước khán giả.
NSƯT Việt Hoàn là một trong số ít những ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc đỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết, anh từng có thời gian khởi nghiệp rất khó khăn. Nhưng vì yêu nghề nên dù phải mặc quần vá lên sân khấu, Việt Hoàn cũng luôn cháy hết mình vì niềm đam mê đã ngấm sâu trong máu.
Sự cần mẫn và cống hiến đó đã giúp Việt Hoàn của ngày hôm nay có cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Hiện tại, gia đình anh đang sống tại Huyện Quốc Oai - Hà Nội với cơ ngơi rộng gần 2000m2.
Gặp anh tại không gian sống mát mẻ và gần gũi với thiên nhiên, chúng tôi đã được nghe anh tâm sự nhiều câu chuyện của thời mới đi hát...
"Tôi từng không muốn làm nghệ thuật vì sợ vợ con khổ".
Tôi sinh ra trong một cái nôi nghệ thuật với cả bố và mẹ đều là nghệ sĩ cải lương. Ngay từ khi mới khoảng 4, 5 tuổi, tôi đã thuộc cả một vở kịch hoặc có thể diễn cả một vai dài cho mọi người trong nhà xem. Có lẽ, tôi được thừa hưởng thanh đới tốt từ bố mẹ và được sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ nên cũng có chút đam mê với sân khấu.
Năm học lớp 7, tôi bắt đầu bước lên sân khấu của trường học, của thị xã và hát. Đến năm tôi 17 tuổi thì giành được giải cao nhất trong cuộc thi đơn ca toàn tỉnh Thái Bình.
Năm 1991, tôi giành giải khuyến khích trong cuộc thi đơn ca toàn quốc. Cuộc thi năm ấy, có rất nhiều tên tuổi lớn tham gia như: Ngọc Sơn, Thanh Lam, Bằng Kiều… Lúc đó, họ đã là những ca sĩ nổi tiếng, được nhiều người ái mộ rồi. Tuy chỉ giành giải khuyến khích, nhưng giải thưởng này giống như 1 cú hích khiến tôi rất tự hào và nhen nhóm tư duy về việc làm nghệ thuật.
Thú thực, ban đầu, tôi không muốn theo nghệ thuật một chút nào. Bởi tôi thấy nghệ sĩ khổ quá! Đồng lương chẳng đáng là bao, chỉ nhỉnh hơn người lao công một chút nhưng họ chẳng có thời gian làm việc nhà hay chăm sóc con cái mà liên miên hết diễn rồi tập.
Như bố mẹ tôi, có những đợt công tác, đi biểu diễn dọc từ miền Bắc vào miền Nam đằng đằng mấy tháng trời. Trong những chuyến công tác của bố mẹ, tôi và các chị em trong nhà phải tự nuôi nhau, tự bảo ban dạy dỗ lẫn nhau.
Là con của 1 gia đình nghệ sĩ, tôi hiểu sâu sắc sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì thế tôi từng từ chối tất cả những lời mời của các đoàn nghệ thuật. Tôi sợ tương lai mình cũng trôi theo nếp như bố mẹ mình, tôi sợ vợ con mình rồi cũng phải trải qua những ngày tháng bơ vơ vì mình triền miên đi diễn.
Nhưng quả thực, nghệ thuật giống như 1 thứ duyên nghiệp, nó chính là "nghề chọn người" chứ người không thể chọn nghề được. Từ chối các đoàn nghệ thuật, tôi mong muốn trở thành 1 chiến sĩ công an. Nhưng cuối cùng, run rủi thế nào, tôi được biên chế vào đoàn nghệ thuật Công an Hải Phòng.
Những năm tháng ấy, bên cạnh việc biểu diễn của đoàn, tôi còn đi hát phòng trà, hát ở sàn nhảy và hát tất cả các thể loại nhạc. Tôi cũng không được đào tạo chính quy gì cả mà chỉ học theo kiểu truyền khẩu. Tức là nghe các cô chú, anh chị hát và hát theo.
Thời điểm đó, tôi hát chẳng có màu sắc riêng gì cả, khi thích Đôn Hồ thì tôi hát giống Đôn Hồ và khi hâm mộ Tuấn Ngọc thì tôi hát giống chú ấy. Năm 1993, trong đêm nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn tại Hải Phòng, tôi được hát cùng chú Quang Thọ, cô Lê Dung.
Gia đình Việt Hoàn.
Cô Dung thích chất giọng của tôi và thuyết phục tôi đi học chính quy. Từ những chia sẻ, động viên của cô Lê Dung, tôi như bừng tỉnh. Tôi khao khát được trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, trở thành một ca sĩ để khán giả phải thưởng thức mình chứ không phải là "thợ hát" chạy theo thị hiếu khán giả. Và tôi quyết tâm thi vào trường Nhạc viện Hà Nội dưới sự dẫn dắt của cô Lê Dung.
Vì từng hát tất cả các thể loại nhạc nên tôi hiểu ra rằng mỗi người có một "tạng", người ta chỉ có thể làm tốt 1 việc, chỉ có thể hát hay nhất ở 1 dòng nhạc mà thôi. Và tôi thì chỉ có thể hát tốt nhất khi đó là ca khúc dòng nhạc đỏ. Tôi kiên định theo đuổi dòng nhạc này".
"Chị gái tôi phải đi xin vải lót container may thành quần cho tôi mặc lên sân khấu".
Có thời điểm, nhạc đỏ giống như một phương thức tuyên truyền và nghệ sĩ của dòng nhạc này thường xuyên phải đi diễn miễn phí để phục vụ công tác chung. Lúc đó, chúng tôi chỉ có vài trăm ngàn tiền lương mà đoàn nghệ thuật trả cho hàng tháng. Cát-xê đi diễn mỗi đêm đôi khi chỉ là 1 bát phở, 1 bát bún do đơn vị tổ chức chương trình mời mà thôi.
Dù khó khăn đến đâu, người nghệ sĩ lên sân khấu vẫn bắt buộc phải có vài bộ đồ đẹp, phải có một chút đồ để trang điểm hoặc có cái xe để di chuyển nhưng tôi chẳng có gì cả.
Thời ấy, tôi có 1 chiếc sơ mi kẻ và tôi chỉ dám mặc nó để đi diễn. Diễn 10 đêm thì cả 10 đêm tôi đều mặc chiếc áo ấy. Với tôi, nó quý giá lắm, tôi nâng niu chiếc áo đến mức chẳng dám giặt nhiều vì sợ nó sẽ mục, sẽ phai màu.
Để có quần cho tôi mặc lên sân khấu, chị gái tôi phải nhờ người quen làm ở kho Cảng Hải Phòng nhặt những mảnh vải lót container ở kho đem về, rồi dùng nó tự cắt may. Những chiếc quần ấy tôi cũng phải mặc đi mặc lại đến mức nó sờn rách phải trần, phải vá lại.
Khi lên sân khấu, tôi vừa hát vừa phải loay hoay tính toán xem đứng như thế nào, di chuyển ra sao để những miếng vá ở quần không bị lộ ra. Đó là những tháng ngày vô cùng khó khăn của văn nghệ sĩ nói chung và của những ca sĩ nhạc đỏ nói riêng.
Phải tới khi đổi mới, những phòng trà được mọc lên, những khu vui chơi cho thị dân được mở ra, tôi mới lân la xin đi diễn với cát-xê vài chục nghìn một đêm hát.
Từ lúc đó, tôi mới có thêm chút tiền trang trải cuộc sống, mới bắt đầu may được cho mình những bộ trang phục tử tế hơn để đi diễn.
Khó khăn là thế, thiếu thốn là vậy, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ nghề hay chuyển dòng nhạc. Trái lại, tôi còn rất trân trọng thời gian khó khăn ấy.
Bây giờ, tôi vẫn thường nghĩ, những ngày đó, mình thiếu thốn là vậy mà vẫn có thể vui vẻ đi hát phục vụ bà con thì bây giờ, mình đi hát có cát-xê tiền triệu, tại sao mình lại không rút ruột rút gan mà hát để mà cống hiến!
Tôi không phải người ưa hàng hiệu, cũng không có nhu cầu quá lớn lao về vật chất nên tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Một căn nhà khang trang, vợ con có cơm no áo ấm, bản thân tôi vẫn được sống với nghệ thuật, được khán giả yêu thương, đó là niềm hạnh phúc quá lớn đối với tôi rồi.
Tôi ít xuất hiện trên báo chí, truyền thông không phải vì tự ti về ngoại hình. Mà có lẽ, lối suy nghĩ "thanh giả tự thanh", mình cứ làm tốt việc của mình còn lại để khán giả tự đánh giá nó đã thấm sâu vào suy nghĩ của tôi và anh em theo dòng nhạc đỏ.
Tôi biết, người ta gọi tôi là Trương Chi của làng nhạc Việt. Tôi chẳng buồn phiền vì điều đó. Bởi với tôi, cách nhìn nhận xấu đẹp về ngoại hình đôi khi chỉ là tương đối. Khi bước lên sân khấu, cách mình thể hiện các động tác, cách mình hát sẽ khiến cho khán giả quên đi hình thức của mình.
Thậm chí, có những sự kiện lặp đi lặp lại hàng chục năm thì năm nào họ cũng mời tôi hát. Tôi có hỏi: "Năm nào cũng mời em, mọi người không chán bản mặt của em à?" thì nhận được câu trả lời: "Không, chúng tôi muốn nghe Việt Hoàn hát".
Đôi khi, tôi nghĩ mình không đẹp cũng là 1 cái may mắn và đáng tự hào. Vì tôi đã chinh phục khán giả không phải bằng ngoại hình bắt mắt mà bằng chính giọng hát, chính tâm hồn của mình.
Khi họ gọi tôi là Trương Chi, có thể đó cũng là một lời khen. Trong truyện, Trương Chi là 1 anh chàng tuy xấu xí nhưng giọng hát lại cực hay, có thể làm say đắm cả nàng Mị Nương.
Người ta nói, ca sĩ phải có cả thanh và sắc. Nhưng thú thực, rất may mắn là từ khi tôi đi hát tới giờ chưa có ai phàn nàn hay bận tâm về "nhan sắc" của tôi cả.