"Ba tôi lâm bệnh nặng, má quỳ xuống lạy người ta xin cho ba trút hơi thở cuối cùng trong 1 góc rạp hát cũng bị ông chủ rạp đuổi đi vì sợ xui", NSND Kim Cương kể về cái chết của cha mình.
Trong một buổi trò chuyện với các Phật tử tăng ni tại chùa Hoằng Pháp (TPHCM), NSND đã có những chia sẻ chân tình về cuộc đời nhiều giông bão của mình và gia đình.
Lần đầu tiên ra sân khấu mới có 9 ngày tuổi
Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình 4 đời theo sân khấu. Từ ông cố bà cố, ông nội bà nội tôi đều là chủ những đoàn hát bội lớn. Tới đời ba má tôi thì chuyển qua hát cải lương. Sang đời tôi là kịch nói và điện ảnh.
Khi má mang bầu tôi, má vẫn đi hát. Tôi nghe kể lại lúc bầu 5, 6 tháng má bó cái bụng thật chặt để lên sân khấu cho người ta không thấy bụng. Có lẽ vì bó chặt quá nên nằm trọng bụng, tôi quậy đạp tùm lum.
Hồi đó má đóng vai thiếu nữ mặc bộ đồ rộng nên che được bụng. Trong tuồng có cảnh má phải quỳ xuống trước mặt người yêu nhưng vướng bụng lớn quá không đứng dậy được. Má phải nhờ bạn diễn kéo lên dùm.
Hồi má có bầu tôi, má hát hay hơn nên chú Năm Châu nói: "Đứa bé này khi sinh ra, nếu nó theo nghề hát chắc sẽ hát hay lắm".
Nói thế để hiểu rằng, tôi bơi lội với sân khấu từ lúc còn trong bụng mẹ. Và 9 ngày tuổi, tôi chính thức được bước ra ánh đèn sân khấu.
Má kể, hôm đó là sinh nhật bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại nên đoàn hát vô An Định Cung diễn cho bà coi tuồng "Quan âm Thị Kính". Tôi được làm vai con của Thị Mầu, quấn vô tã đưa cho thị Kính.
Người khác lần đầu tiên ra sân khấu với y phục lộng lẫy còn tôi là một cái khăn lông, đạo cụ là bình sữa để nếu tôi có khóc thì người ta nhét vô miệng cho đừng khóc nữa.
Lớn lên trong đoàn hát nên lúc biết hát là tôi biết diễn. Má kể, hồi nhỏ tôi cũng nổi tiếng lắm. Ngày ấy má cho tôi mặc đồ như con trai, đóng vai đánh võ rất đẹp. Đi suốt từ Bắc vào Nam, tới đâu người ta cũng bảo đoàn phải có cậu bé Kim Cương hát thì mới coi.
Suốt thời thơ ấu, tôi sống cuộc đời rày đây mai đó, vui vẻ như vậy. Hồi đó đoàn đi hát bằng ghe chứ không phải đi xe như bây giờ nên có những đêm trăng các cô chú nghệ sĩ trong đoàn lên mui ghe đàn hát, tôi cuộn tròn trong một chiếc chăn ngồi nghe.
Cha tôi bị chủ rạp đuổi, không cho chết trong rạp hát
Cuộc đời người nghệ sĩ có vô vàn chuyện vui nhưng cũng không thiếu chuyện buồn. Nhắc đến chuyện buồn, tôi không bao giờ quên được ký ức năm 6, 7 tuổi. Ấn tượng đó sâu sắc đến nỗi khiến tôi sửng sốt với sự bạc bẽo của cuộc đời và tôi không bao giờ muốn nhớ đến chuyện này.
Ngày đó, đoàn hát ở Phan Thiết. Khán giả coi đông nghẹt. Ông chủ rạp hốt được rất nhiều tiền nhờ có sự xuất hiện của đoàn hát gia đình tôi. Ông ấy săn đón ba tôi, mời mọc ăn uống linh đình.
Diễn ở Phan Thiết xong, đoàn xuôi xuống Mũi Né. 1 tháng sau, ba tôi lâm bệnh và trở nặng sau nửa tháng vật vã. Ở Mũi Né không có thuốc nên má mướn một chiếc xe bò nửa đêm chở ba tôi ra Phan Thiết với hy vọng tìm được bác sĩ chữa trị.
Đang thời chiến tranh lại không có ai quen biết, má tôi đành tới rạp hát mà mới cách đó 1, 2 tháng đoàn dừng lại biểu diễn để xin ở nhờ. Người coi rạp cho ba tôi một chiếc giường nhỏ nằm trong góc. Ông chủ rạp biết được, đuổi cha tôi ra đường vì sợ xui xẻo.
Ông ấy nói: "Làm gì thì làm, đưa ra khỏi đây. Có chết thì chết ngoài đường chứ không được chết trong rạp tôi".
Má tôi quỳ xuống dưới chân ông ấy mà lạy. Má nói: "Gia đình, đoàn hát của tôi đã mang tới cho ông bao nhiêu tiền, xin ông thương mà cho chồng tôi chết trong nhà đừng để ông ấy chết ngoài đường".
Nhưng ông ấy không đồng ý. Ông chủ rạp hát nói: "Tôi thương anh chị nhưng tôi còn làm ăn. Để ông ấy qua đêm nay, sáng mai phải đem đi liền".
Đêm đó má tôi đi vòng vòng trên sân khấu, còn tôi ngồi trong một góc nhìn rạp vắng hoe. Tôi nghĩ "cũng cái hàng ghế này, bao nhiêu khán giả đã vỗ tay cho ba mình, bao nhiêu người ca ngợi ba mình... vậy mà chỉ mấy tháng sau, chỉ xin được trút hơi thở cuối cùng trong một góc sân khấu cũng bị người ta đuổi đi".
May sao ở Phan Thiết có chùa Phật Học, quý vị trong chùa biết chuyện, nghe tên ba má tôi, họ tới rước ba tôi về. 3 ngày sau, ba tôi chết.
Với một đứa con nít phải chứng kiến cảnh đó thực sự ám ảnh tôi tới bây giờ nhưng chính những chuyện vui buồn đó đã làm thành cuộc đời của tôi – một Kim Cương như bây giờ.
Bị gia đình cấm theo nghề, gửi vào trường mồ côi
Sau khi ba mất, má tôi tìm cách đưa đoàn hát về Sài Gòn để củng cố lại. Về tới nơi, gia đình họp bàn và quyết định không chi Kim Cương theo nghề hát. Để tránh cho tôi không bị ảnh hưởng, má gửi tôi vô trường nội trú của mấy sơ.
Mấy năm đầu, tôi rất khổ sở. Bởi từ một đứa bé sống tự do, đêm nào cũng đi nghe hát tới 11, 12 giờ mới ngủ nay bỗng phải vô trường nội trú của các bà sơ với kỷ luật rất gắt. 5 giờ ăn cơm, 5 rưỡi đọc kinh, 6 giờ đi ngủ. Tôi không ngủ được vì đối với tôi đó là giờ mới bắt đầu thức dậy.
Chính vì thế trong thời gian ở đó tôi quậy phá rất dữ. Ở chung phòng với tôi còn có rất nhiều người. Vì không ngủ được nên tôi chui xuống giường của mấy bạn ở dưới khều chân nhát ma họ. Bị các sơ la mắng riết, tôi chuyển sang quậy trò khác. Phòng tôi ở trên lầu cao, có cửa sổ hướng ra đường. Tôi canh mấy người bán hột vịt lộn và chè đi ngang qua là chọc ghẹo.
Hễ người ta rao "ai chè đậu xanh không", tôi kêu "chè" rồi trốn. Người ta rao "Ai hột vịt lộn không", tôi cũng kêu "hột vịt lộn" rồi trốn.
Chuyện học hành của tôi cũng thăng trầm theo đoàn hát. Vì muốn cho tôi học trường có nề nếp nên khi đoàn hát làm ăn khấm khá, má gửi tôi vô trường nói tiếng Pháp. Trường đó sang lắm, chỉ con nhà giàu mới vô học.
Được vài ba tháng, đoàn hát ế ẩm, tôi bị chuyển xuống trường ít sang hơn. Cuối cùng tôi vô trường mồ côi ở. Thời gian đầu tôi bị sốc nhưng năm 15, 16 tuổi tôi cũng ổn định được tinh thần và chấp nhận cuộc sống đó.
Trong thời gian ở trường mồ côi, tôi rất thương một bà sơ. Bà biết hoàn cảnh của tôi nên hiểu vì sao tôi quậy phá. Trong khi mọi người ai cũng phạt tôi vì tội phá phách thì bà sơ đó không phạt. Chính vì vậy, tôi thương bà sơ đó tới mức về đòi má cho vô đạo Thiên Chúa để đi tu. Vì chuyện này, tôi bị gia đình rầy la quá trời.
Sự trở lại kỳ lạ và được phong tặng biệt danh "kỳ nữ"
Năm 19, 20 tuổi, trong một dịp rất tình cờ tôi được trở lại sân khấu vì sự cần thiết của đoàn hát của gia đình.
Lúc đó cả tôi và gia đình chỉ có ý định để tôi trở lại trong 1 thời gian ngắn rồi quay lại trường học tiếp nhưng không biết hên hay xui mà ngay lần trở lại đó, tôi nổi tiếng liền với cái tên "Kỳ nữ". Tôi phải gánh vác gánh hát của gia đình và chính thức dấn thân vào sân khấu từ ngày ấy.
Nhiều người sau này hỏi tôi "kỳ nữ là gì"? Năm 2006, tôi làm một chương trình có mời nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ông lên cắt nghĩa chữ "kỳ nữ" rằng, ở bên Trung Quốc có kỳ nữ Mạnh Lệ Quân, để chỉ một người nữ kỳ tài.
Người nghệ sĩ bình thường chỉ làm một việc nhưng tôi làm cả 3: viết kịch, đạo diễn và diễn viên. Nhưng điều mọi người phục nhất là tôi còn làm trưởng đoàn hát. Việc nắm một đoàn hát toàn anh em nghệ sĩ còn khó hơn nắm một tiểu đoàn bộ đội.
Bởi lẽ, người nghệ sĩ có trái tim rất nhạy cảm. Cùng một chuyện, người khác buồn một nhưng nghệ sĩ buồn 10. Sự nhạy cảm đó giúp chúng tôi lột tả được tâm trạng, cảm xúc của nhiều loại nhân vật. Điều đó cũng có nghĩa nghệ sĩ là những người vui bất thường, giận bất thường.
Để nắm và điều khiển được một đoàn hát với những con người như vậy trong mấy chục năm thật sự không đơn giản. Hơn nữa, với người làm quản lý đòi hỏi sự chặt chẽ của lý trí còn nghệ sĩ thì đòi hỏi sự bay bổng. Kim Cương hòa hợp được cả hai nên họ phong tôi là kỳ nữ.
Con trai bị bắt cóc và nhiều lần muốn tự tử
Tới bây giờ, sau mấy chục năm lăn lộn với sân khấu, hưởng đủ mọi vinh quang, hạnh phúc, đau khổ thì tôi mới hiểu vì sao gia đình không muốn tôi theo nghề hát. Bởi vì danh vọng của người nghệ sĩ đắt lắm, họ phải đổi bằng một cái giá rất đắt, nhất là phụ nữ.
Đã là người của quần chúng thì chuyện đầu tiên là mất hơn phân nửa cuộc đời mình. Họ không sống được cho mình mà phải sống cho người, phải chịu không biết bao nhiêu dư luận của cuộc đời "làm dâu trăm họ".
Có lúc khán giả cho nghệ sĩ những điều đẹp đẽ mà chúng tôi không đáng được hưởng nhưng cũng có lúc họ đặt điều và nói những chuyện oan ức mà chúng tôi không đáng bị như vậy. Người thương nói thương, người ghét nói ghét. Chuyện buồn vui nhiều không biết bao nhiêu mà kể.
Tôi nhớ hồi đám giỗ 30 năm của nghệ sĩ Thanh Nga, mọi người mời tôi lên nói chuyện nhưng tôi từ chối vì một người bên kịch nói, một người bên cải lương, tôi biết gì về cô ấy mà nói.
Kỳ thực định mệnh xui khiến chúng tôi có rất nhiều điều giống nhau dù tôi và Thanh Nga đi hai con đường khác nhau. Chúng tôi cùng nổi tiếng như nhau và cùng chịu bao nhiêu bầm dập của cuộc đời, của những dư luận vô trách nhiệm đổ lên đầu.
Mãi tới năm 30 tuổi, cả tôi và Thanh Nga mới tìm được một chỗ nương tựa là gia đình, cùng có con trai và con của tôi và Thanh Nga đều bị bắt cóc.
Con tôi bị bắt cóc trước con Thanh Nga 1 năm. Khi tôi khổ sở thì Thanh Nga tới an ủi. Và tôi nghe nói, cũng chính vì chuyện con tôi bị bắt cóc mà Thanh Nga rất lo sợ cho con của mình đến nỗi cô ấy không cho thằng nhỏ đi học nữa.
Thậm chí khi Thanh Nga đi hát, cũng mang thằng nhỏ đi cùng. Khi lên sân khấu, cô ấy phải nhìn thấy mặt con trong hậu trường thì mới lên hát. Nếu không thấy con, Thanh Nga đi vô liền.
Sau này bắt được đám người bắt cóc, chúng khai là muốn bắt cóc con Thanh Nga nhưng cô gần như không lúc nào rời thằng bé. Để bắt cóc một cậu bé trước mặt người mẹ là điều rất khó nên chúng phải rút súng bắn.
Nói vậy để mọi người hiểu rằng những người nghệ sĩ phải đổi cái giá danh vọng của mình rất đắt. Tôi từng khổ tới mức cách đây 20 năm, đã vài lần muốn tự tử.
Nhưng vì theo Phật Pháp nên tôi biết tự tử là tội sát nhân. Tôi tới gặp thầy Huệ Thanh Từ khóc và nói: "Thầy ơi con khổ lắm, con chỉ muốn chết thôi. Nhưng nếu tự tử thì con mang tội sát nhân nên thầy làm cho con một cái lễ sám hối thật lớn để con xin lỗi Phật rồi chết".
Thầy cười, đợi tôi khóc đã rồi nói: "Chuyện vui buồn, chán ghét, hạnh phúc, đau khổ giống như áng mây trôi qua. Con thấy đẹp muốn ôm hoài vào mình không được, thấy xấu quá muốn đuổi đi nhanh cũng không được. Cuộc đời có sinh có diệt, có hợp phải có tan. Chỉ cần con hiểu vậy thì sẽ đỡ khổ".
Tôi tỉnh ngộ, không đòi chết nữa. Phật Pháp đã cứu cuộc đời tôi. Từ đó, tôi thường đến gặp thầy để than thở. Có lần tôi thất tình và lại đòi chết.
Tôi nói với thầy "cả cuộc đời con sống cho người khác, con không đòi tiền bạc, địa vị... con chỉ muốn có một người đàn ông thương con và con thương người đó, sống cuộc đời bình thường như những người đàn bà khác mà con tìm cả đời không được".
Thầy để tôi khóc đã rồi nói. Thầy nói một câu mà tôi ngộ ra liền: "Trên thế gian này đâu phải ai muốn cài gì cũng được. Những người phụ nữ khác muốn 10 chuyện được có 2, 3. Con muốn 10 mà được 7, 8 thì trong đời con phải có những chuyện muốn mà không được chứ. Chuyện gì muốn không được thì đừng muốn nữa. Lo làm từ thiện đi đừng ham muốn chồng nữa".
Bắt đầu từ đó, tôi ngộ ra được nhiều điều và tới với Phật Pháp.