(ĐSPL) - Không chỉ bị "bóc mẽ" vì "bác sĩ thẩm mỹ Hàn Quốc" chui, viện thẩm mỹ Lavender còn bị "vạch trần" vì khẳng định: khi được các bác sĩ Hàn Quốc tư vấn, khách hàng có nhu cầu sẽ được chính các vị bác sĩ này tiến hành phẫu thuật tại các bệnh viện như Xanh pôn hay Hồng Ngọc ở Hà Nội...
Báo Người Đưa Tin thông tin, khoác lên mình chiếc áo danh tiếng “5 sao”, viện thẩm mỹ Lavender không tiếc lời tung hô có cánh về các bác sĩ hàng đầu Hàn Quốc sẽ đến Việt Nam tư vấn và thực hiện phẫu thuật cho các khách hàng của viện thẩm mỹ này.
Theo đó, khi được các bác sĩ Hàn Quốc tư vấn, khách hàng có nhu cầu sẽ được chính các vị bác sĩ này tiến hành phẫu thuật tại các bệnh viện như Xanh pôn hay Hồng Ngọc ở Hà Nội.
Tại một cuộc tư vấn cho khách hàng của đại diện Lavender mà cánh PV thu thập được cho thấy, đối với những ca “tiểu phẫu” như: nâng mũi, gọt cằm, cắt mí mắt…thì sẽ làm trực tiếp tại Lavender, còn những ca “đại phẫu” được viện thẩm mỹ Lavender chuyển đến thực hiện tại các bệnh viện lớn như Xanh pôn hay Hồng Ngọc.
Cũng theo đại diện của Lavender, vị bác sĩ có tên Kim Jun Huyn người Hàn Quốc đã từng tiến hành nhiều ca phẫu thuật cho khách hàng của Lavender tại bệnh viện Hồng Ngọc.
Theo đại diện các bệnh viện: Xanh pôn, Hồng Ngọc, họ không có liên hệ và kết hợp thực hiện phẫu thuật với viện thẩm mỹ Lavender. |
Vị đại diện Lavender cũng không quên thông tin, ca phẫu thuật gần đây nhất diễn ra khoảng tháng 10/2015, và ngày 25/4 tới đây, bác sĩ Kim Jun Huyn từ bệnh viện Grand của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đến Lanvender để tư vấn và phẫu thuật cho khách hàng.Tuy nhiên, điều kỳ lạ là Khi cánh PV mang tên và ảnh của bác sĩ Kim Jun Huyn đến cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế), ngay lập tức nhận được thông tin phản hồi, bác sĩ này chưa được cấp phép hành nghề tại Việt Nam.
Đáng nói, theo đại diện cục Quản lý khám chữa bệnh, trong hồ sơ lưu trữ, vị bác sĩ này chưa một lần được cấp giấy phép để hành nghề tại Việt Nam.
Mặc dù “chém” với khách hàng như trên, tuy nhiên theo đại diện các bệnh viện: Xanh pôn, Hồng Ngọc, họ không có liên hệ và kết hợp thực hiện phẫu thuật với viện thẩm mỹ Lavender.
Trao đổi trên báo Thanh niên, PGS-TS Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết trên thực tế nhiều cơ sở thẩm mỹ đang cố tạo đẳng cấp bằng quảng cáo, thậm chí là quảng cáo “nổ”. Ông Hành nhận định thị trường đang có quá nhiều cái “đầu tiên”, “giỏi nhất Việt Nam”, “hàng đầu”...
“Ngoài ra, có tình trạng lạm dụng cách quảng cáo của Hàn Quốc để nhanh chóng có khách hàng. Chính những điều này làm bộ mặt phẫu thuật thẩm mỹ không sạch sẽ, vô hình chung làm xấu cả ngành thẩm mỹ”, PGS-TS Lê Hành nói thêm.
Một bác sĩ của Bệnh viện (BV) Thẩm mỹ Sài Gòn nhận xét rằng cụm từ “theo phương pháp Hàn Quốc” đang bị lạm dụng quá mức.
Cũng theo các chuyên gia thẩm mỹ, quảng cáo trong lĩnh vực thẩm mỹ thực sự là mê hồn trận. Nhiều bác sĩ thậm xưng bằng cấp, chức danh, bác sĩ tay ngang cũng quay ra làm thẩm mỹ, nên việc xảy ra tai biến không thể lường được.
Thông tin trên báo Phụ nữ, theo bác sĩ Bùi Minh Trạng , Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, dường như lâu nay người dân vẫn chưa hiểu rõ các khái niệm thẩm mỹ viện (TMV) và trung tâm PTTM
Đã có sự hiểu lầm về chức năng của TMV. Thực ra, TMV chỉ là nơi chăm sóc sắc đẹp đơn thuần, không xâm lấn đến sức khỏe. Vì vậy, TMV không do ngành y tế quản lý mà do UBND các quận, huyện cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế, vì mục đích trục lợi, không ít TMV đã nhập nhằng quảng cáo “lố” như xăm mắt, xăm môi, nâng mũi, cắt mắt, chữa và điều trị nám da. Những trường hợp quảng cáo quá phạm vi cho phép hành nghề như vậy sẽ bị xử phạt hành chính, buộc tháo gỡ bảng quảng cáo. Trường hợp phát hiện TMV lén lút hành nghề trái quy định, thì buộc cơ sở ngưng hoạt động, yêu cầu quận, huyện giám sát.
Với những trung tâm giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) hay PTTM, muốn hoạt động cần phải được ngành y tế cấp phép, kiểm tra, giám sát… theo hai loại hình: phòng khám (do Sở Y tế cấp phép) và bệnh viện (BV) (do Bộ Y tế cấp phép). Quy trình cấp phép hoạt động của các cơ sở PTTM này được Bộ Y tế quy định rất chặt chẽ, nhưng bấy lâu nay, một số người trong ngành vẫn cố ý hiểu sai hoặc hoặc lập lờ đánh lận con đen nhằm mục đích trục lợi.
Phòng khám PTTM, ngoài việc đảm bảo điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất, thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám bắt buộc phải là BS chuyên khoa PTTM, có thời gian khám, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng với chuyên khoa đó. Các đối tượng khác làm việc trong những cơ sở PTTM này, nếu có thực hiện khám, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công cũng phải có chứng chỉ hành nghề. Việc phân công cũng phải phù hợp với khả năng chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
Về danh mục kỹ thuật, phòng khám PTTM chỉ được: tạo lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai. Không được phẫu thuật tạo hình nâng ngực, nâng vú, thu nhỏ quầng vú, thu gọn thành bụng, mông, đùi, lấy mỡ cơ thể. Đặc biệt, việc PTTM làm thay đổi đặc điểm nhận dạng đã được xác định trong chứng minh nhân dân chỉ được thực hiện sau khi người yêu cầu PTTM đã có đơn gửi cơ quan công an nơi cấp giấy chứng minh nhân dân.
Với BV thẩm mỹ hiện cũng có hai loại: BV chuyên khoa PTTM và BV đa khoa có khoa PTTM. Tuy nhiên, không phải BV nào cũng có thể thực hiện tất cả các danh mục kỹ thuật về PTTM dành cho BV PTTM, mà các danh mục này phải được Bộ Y tế xem xét cấp phép cụ thể, dựa trên các yếu tố nhân lực, bằng cấp, cơ sở vật chất cũng như các điều kiện về phương tiện máy móc. Chẳng hạn, khoa PTTM của BV Từ Dũ thì không thể có danh mục kỹ thuật PTTM như khoa PTTM của BV Tai Mũi Họng và ngược lại.
Còn nữa...
AN NHIÊN (Tổng hợp)