+Aa-
    Zalo

    Thẩm mỹ viện Lavender và sự thật về "bác sỹ thẩm mỹ Hàn Quốc"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đa số các cơ sở thẩm mỹ đều ghi có bác sĩ thẩm mỹ Hàn Quốc để hút khách nhưng thực tế, khi thực hiện các thủ thuật gây mê thì đưa bác sĩ VN vào phẫu thuật...

    (ĐSPL) - Theo các chuyên gia thẩm mỹ, đa số các cơ sở thẩm mỹ đều ghi có bác sĩ thẩm mỹ Hàn Quốc để thu hút khách hàng nhưng thực tế, khi thực hiện các thủ thuật gây mê thì đưa bác sĩ Việt Nam vào phẫu thuật, thậm chí cả bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ...

    "Có bác sĩ Hàn Quốc trực tiếp phẫu thuật", "Bác sĩ Hàn Quốc tư vấn trước khi phẫu thuật",... là những lời quảng cáo "có cánh" của nhiều thẩm mĩ viện để thu hút chị em, đánh vào tâm lí của nhiều khách hàng: bác sĩ Hàn Quốc giống như có "đôi đũa thần" giúp họ cải thiện sắc đẹp...

    Tin tức trên báo Người đưa tin, để khuếch trương hình ảnh, trên trang quảng cáo của viện thẩm mỹ Lavender căng đầy hình các bác sĩ người Hàn Quốc. Trong đó, nổi lên một vị bác sĩ có tên Kim Jun Huyn đến từ bệnh viện Grand.

    Hòng thuyết phục các khách hàng, đường dây nóng của viện thẩm mỹ Lavender không ngần ngại chuyển ảnh bác sĩ, đường link bệnh viện Hàn Quốc và thậm chí là cả những thông tin về lịch trình tư vấn, phẫu thuật của các bác sĩ tại viện thẩm mỹ này qua điện thoại cho bất cứ khách hàng nào có nhu cầu làm đẹp.

    Trong phần trao đổi của đại diện viện thẩm mỹ Lavender với một khách hàng, bác sĩ Kim Jun Huyn sẽ về Việt Nam và thực hiện công việc tư vấn và phẫu thuật cho khách hàng trong tháng 3 và tháng 4/2016.

    Bác sĩ người Hàn Quốc được quảng cáo ở viện thẩm mỹ Lavender chưa được cấp phép hành nghề tại Việt Nam.

    Cũng theo tư vấn của vị đại diện này, việc các bác sĩ Hàn Quốc sang Việt Nam tiến hành các ca phẫu thuật là do mối làm ăn, uy tín của viện thẩm mỹ Lavender trong nhiều năm qua.

    Vị này cũng bật mí, bình thường như trước thì viện thẩm mỹ sẽ đưa khách hàng qua Hàn Quốc để tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật, lấy được uy tín của bệnh viện Grand, nên bệnh viện này đã cử bác sĩ trực tiếp qua Việt Nam tư vấn và phẫu thuật.

    Đáng nói, thông tin từ nhân viên viện thẩm mỹ này cho thấy, các bác sĩ người Hàn Quốc trên đã không dưới 10 lần thực hiện các ca phẫu thuật cho các khách hàng của viện thẩm mỹ Lavender tại Việt Nam.

    Các ca phẫu thuật này theo thông tin là được thực hiện tại bệnh viện Xanh pôn và bệnh viện Hồng Ngọc.

    Mặc dù các bác sĩ được viện thẩm mỹ Lavender quảng cáo rầm rộ và đầy thương hiệu là vậy. Nhưng kỳ thực trên cơ sở dữ luận của các cơ quan chức năng chưa một lần xuất hiện tên trong giấy phép hành nghề tại Việt Nam.

    Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế), bác sĩ bác sĩ Kim Jun Huyn chưa được cấp phép hành nghề tại Việt Nam. Đáng nói, theo đại diện cục Quản lý khám chữa bệnh, trong hồ sơ lưu trữ, vị bác sĩ này chưa một lần được cấp giấy phép để hành nghề tại Việt Nam.

    Trước thông tin, bác sĩ Kim Jun Huyn đã từng đến Việt Nam tư vấn và phẫu thuật. Đại diện cục Quản lý khám chữa bệnh khẳng định, khi chưa có giấy phép hành nghề thì không được tiếp xúc với khách hàng để tư vấn và càng không được thực hiện phẫu thuật tại Việt Nam.

    Thế nhưng, bất chấp quy định này, đại diện viện thẩm mỹ Lavender vẫn khẳng định bác sĩ người Hàn Quốc có tên trên đã từng sang Việt Nam và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

    Trước đó, báo Phụ nữ cũng từng đưa tin, để đáp ứng trào lưu nâng mũi… giống như các diễn viên xứ Hàn, các thẩm mỹ viện tại TP.HCM đua nhau quảng cáo “có bác sĩ Hàn Quốc trực tiếp phẫu thuật”. Thực tế, các cơ sở này chỉ bắt tay với bác sĩ Hàn Quốc làm theo thời vụ. Đáng nói là TP.HCM chưa có bác sĩ Hàn Quốc nào được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ.

    Báo này cũng dẫn chứng trường hợp Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Việt (244A Pasteur, Q.3, TP.HCM) có bác sĩ (BS) Hàn Quốc nhận phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng dù chưa được phép hoạt động, đoàn thanh tra Sở Y tế đã đến kiểm tra, phát hiện BS Lee Byoung Yeol phụ trách phòng khám chưa có giấy phép.

    Thẩm mỹ Hàn Việt do bác sĩ Hàn Quốc phẫu thuật dù chưa được cấp phép vẫn hoạt động. (Ảnh: Báo Phụ nữ).

    Trước đó khi cơ quan chức năng vào cuộc, phóng viên Báo Phụ Nữ cùng với khách hàng đến nhờ tư vấn nâng mũi kiểu Hàn Quốc tại phòng khám này. Trên cánh cửa ra vào phòng khám được dán chữ khá to “BS Hàn Quốc Lee Byoung Yeol phụ trách”. Để được “vào vòng” tư vấn, khách hàng phải khai tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại.

    Một nhân viên cho biết: “Muốn BS Lee tư vấn phải đặt hẹn trước. Trong tháng này, BS qua Việt Nam ngày 9 và ngày 23. Nếu chị chắc chắn phẫu thuật sửa mũi S-line (kiểu Hàn Quốc) vào ngày 9/5 do BS Hàn Quốc làm thì đặt cọc trước, nhưng chỉ tư vấn thì không cần đặt cọc”. Dù chưa được phép hoạt động nhưng phòng khám này lại quảng cáo “Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ của chúng tôi có BS Hàn Quốc được Bộ Y tế cấp phép”. Thực ra, việc “được Bộ Y tế cấp phép” mới chỉ là chứng chỉ hành nghề chứ không phải giấy phép hoạt động.

    Trao đổi trên báo Tiền phong, TS. BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc chi nhánh tại Việt Nam, cho biết, đa số các cơ sở đều ghi có bác sĩ thẩm mỹ Hàn Quốc để thu hút khách hàng nhưng thực tế, khi thực hiện các thủ thuật gây mê thì đưa bác sĩ Việt Nam vào phẫu thuật, thậm chí cả bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ; vật liệu để độn ngực hay cằm, mũi cũng là hàng trôi nổi. “Bác sĩ Hàn Quốc hành nghề ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép đếm trên đầu ngón tay, nhưng hàng trăm cơ sở quảng cáo có bác sĩ Hàn Quốc là không thể”, bác sĩ Tú Dung nói.

    Theo Sở Y tế TPHCM, kết quả kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ cho thấy, lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là quảng cáo sai sự thật. Tình trạng bác sĩ “mổ dạo” tại Việt Nam tràn lan. Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đánh giá, bác sĩ nước ngoài được đào tạo chính quy không bao giờ “đi đêm, mổ dạo”, nên chị em phụ nữ phải cẩn thận; chỉ có “bác sĩ” không chứng chỉ mới hoạt động trái phép như thế.

    Một chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ nói thẳng rằng thị trường phẫu thuật thẩm mỹ đang có quá nhiều quảng cáo quá sự thật.

    Có những phương pháp thông thường được đẩy lên thành “phương pháp cao siêu”, tạo ra một làn sóng giáo dục thị trường sai; có những phương pháp chưa được thẩm định vẫn áp dụng và quảng cáo rầm rộ. Trên thực tế nhiều cơ sở thẩm mỹ đang cố tạo đẳng cấp bằng quảng cáo, thậm chí là quảng cáo “nổ”. Ông Hành nhận định thị trường đang có quá nhiều cái “đầu tiên”, “giỏi nhất Việt Nam”, “hàng đầu”...

    “Ngoài ra, có tình trạng lạm dụng cách quảng cáo của Hàn Quốc để nhanh chóng có khách hàng. Chính những điều này làm bộ mặt phẫu thuật thẩm mỹ không sạch sẽ, vô hình chung làm xấu cả ngành thẩm mỹ”, vị này cho biết.

    Còn nữa...

    AN NHIÊN (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-my-vien-lavender-va-su-that-ve-bac-sy-tham-my-han-quoc-a141787.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan