Tử Cấm Thành, còn được gọi là Cố Cung, được thiết kế và xây dựng từ năm 1406 - 1424 bởi 2 thợ mộc nổi tiếng nhất thời nhà Minh. Công trình kiến trúc này nằm tại vị trí trung tâm của Bắc Kinh (Trung Quốc), là quần thể kiến trúc cung điện quy mô lớn nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất trên thế giới cho tới ngày nay.
Tọa lạc trên khu đất rộng 720.000m2, Tử Cấm Thành có 9.999 căn phòng. Năm 1973, Bảo tàng Cố Cung tổ chức cho các chuyên gia đi khảo sát thực tế, thống kê và xác nhận trong công trình này còn có hơn 90 sân, 980 dãy nhà và 8.704 phòng.
Mặc dù có quy mô rộng lớn bậc nhất thế giới với gần chục nghìn căn phòng nhưng Tử Cấm Thành lại không có một nhà vệ sinh nào. Tìm kiểu về cuộc sống sinh hoạt của vua chúa thời xưa, nhiều người không khỏi thắc mắc nếu không có nhà vệ sinh thì những người sống trong cung “giải quyết” nhu cầu căn bản như thế nào.
Trên thực tế, hàng chục nghìn người sống tại Tử Cấm Thành, từ người có quyền lực cao nhất như Hoàng đế, Thái Hậu đến các phi tần, cung nữ, thái giám đều sử dụng “vật dụng vệ sinh di động” như chậu hay thùng, gọi là “Quan phòng” hoặc “Cung phòng”.
“Quan phòng” chỉ dành cho Hoàng đế và các phi tần, được làm từ gỗ đàn hương, bên trong chứa tro của loại gỗ này. Khi chất thải rơi xuống, tro gỗ sẽ bám dính vào bề mặt và ngăn mùi hôi phát tán. Tuy nhiên, do tro gỗ đàn hương không thể cản hết mùi nên thái giám sẽ cho vào đó một ít cánh hoa và hương liệu.
XEM THÊM: Kỳ lạ ngọn đồi bốc khói bất kể ngày đêm dù xung quanh không có lửa cháy
Nhiều “Quan phòng” được thiết kế đệm gấm, có chỗ gác tay hai bên giúp người dùng có thể ngồi một cách thoải mái và êm ái nhất. Về cơ bản, vật dùng này khá giống với bồn cầu vệ sinh hiện đại ngày nay, chỉ khác là không thể xả nước được. Giấy vệ sinh mà vua chúa sử dụng thậm chí còn được xịt nước ấm, ủi cho mềm mịn.
Một điều cần lưu ý là “Quan phòng” của Hoàng đế không được phép đặt trên mặt đất vì như vậy nhà vua sẽ phải cúi người khi muốn sử dụng. Do đó, thái giám phải dùng lực nâng “Quan phòng” lên cao, để khi Hoàng đế ngồi lên đó vẫn sẽ là người có vị trí cao nhất.
“Cung phòng” được các cung nữ, thái giám hay những người có thân phận thấp bé nhất hoàng cung sử dụng. Bên trong vật dụng này là các “cung đồng” - chiếc thùng làm từ gỗ bình thường. Do chúng không được thêm hương liệu như “Quan phòng” nên không thể ngăn được mùi hôi thối của chất thải.
Lịch dọn dẹp trong hoàng cung được ấn định vào các ngày 4, 14 và 24 hàng tháng. Tất cả chất thải trong cung sẽ được một bộ phận chuyên trách chở ra bên ngoài cung điện. Những chiếc thùng chứa sau đó được vệ sinh, cọ rửa sạch sẽ để đảm bảo không phát ra mùi hôi, ảnh hưởng đến không gian trong cung.
Lý giải về việc Tử Cấm Thành không có nhà vệ sinh, các nhà nghiên cứu cho hay do khoa học kỹ thuật thời cổ đại còn hạn chế nên chưa tìm ra "kỹ thuật" xử lý mùi hôi của chất thải. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống nước, xả thải thời xưa là không thể.
Nếu hàng nghìn người phóng uế trong Tử Cấm Thành, không gian nơi này chắc chắn không hề dễ chịu. Điều này không có lợi cho việc duy trì uy nghiêm của hoàng tộc. Tử Cấm Thành vốn là nơi ở của "thiên tử" nên không gian lúc nào cũng phải sạch sẽ, thơm tho.
Nhà vệ sinh di động được đánh giá là giải pháp thân thiện với môi trường và đảm bảo được sự tôn nghiêm của hoàng đế, cũng như sự uy nghi của chốn cung điện nơi người thường không thể đặt chân tới.
Đến thời Hoàng đế Càn Long triều nhà Thanh (1711 - 1799), vì để thể hiện hiếu đạo với mẫu thân nên ông cho xây dựng 3 nhà vệ sinh tại chỗ đầu tiên trong Thọ Khang Cung, gọi là “Tịnh phòng”. Các nhà vệ sinh này đều được xây sát cạnh các hành lang đi lại để thuận lợi cho quá trình sử dụng.
Thời gian sau, bất chấp việc có nhiều yếu tố văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào Trung Quốc, Tử Cấm Thành vẫn không xây dựng hay lắp đặt thêm bất cứ nhà vệ sinh nào khác.
Năm 1925, Tử Cấm Thành chính thức mở cửa đón khách du lịch và bắt đầu được xây mới, lắp đặt 14 khu nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ để phục vụ khách du lịch và nhân viên làm việc tại đây.
Đinh Kim(T/h)