Tử Cấm Thành, hay còn gọi Cố Cung, vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh (Trung Quốc). Công trình này được UNESCO xếp vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và được công nhận là Di sản thế giới năm 1987.
Tại Tử Cấm Thành, hầm băng là một trong những khu vực đặc biệt thu hút khách tham quan. Được biết, Tử Cấm Thành có tổng cộng 5 hầm băng, được xây trên các hướng và ở giữa. Về cơ bản, các hầm băng có hình dáng giống nhau với chiều dài 11,03m, còn chiều rộng khoảng 6,3m.
Theo trang 163, hầm băng được xây dựng hoàn toàn bằng băng đá lâu năm, với cấu trúc 1/3 ở trên mặt đất, còn 2/3 nằm dưới lòng đất. Nếu nhìn từ bên ngoài thì hầm băng trông giống hang động có mái vòm thấp nhưng thực tế bên trong lại rất rộng.
Những người thợ thời xưa đã đào sâu xuống lòng đất khoảng 10m. Các bức tường trong hầm băng dày khoảng 2m nên khi bước chân vào đây có cảm giác như ngày đông. Sàn hầm băng được lát bằng những tảng đá lớn, trong khi gạch và đá xây xen kẽ nhau thành những bậc thang trong hầm.
Hầm băng của Tử Cấm Thành được xây từ thời Vĩnh Lạc của nhà Minh. Tới cuối triệu đại nhà Minh, các hầm băng từng bị bỏ hoang. Không lâu sau khi nhà Thanh lên ngôi, lập kinh đô ở Bắc Kinh, Tử Cấm Thành và những cơ sở hạ tầng xung quanh được khôi phục trở lại, trong đó có các hầm băng.
Ghi chép lịch sử sau này tiết lộ, trong triều đại nhà Thanh, một số hầm băng còn chứa cả đá viên. Vào mùa đông, khi Hoàng đế và các phi tần tận hưởng sự ấm áp trong các cung điện, những người làm việc ở Bộ Thủy phải làm việc xuyên giá rét.
XEM THÊM: Trung Quốc: Con trai gây ra thảm sát vào đêm giao thừa vì mối thù mất mẹ 22 năm trước
Hàng năm sau ngày lập đông, các con hào bao quanh Tử Cấm Thành được làm sạch, sau đó nguồn nước sạch được dẫn vào đây để dự trữ lượng nước lớn, dần hình thành những khối băng khổng lồ.
Thái giám sẽ chọn ra phần đá tinh khiết nhất mang vào cung để Hoàng đế dùng dần trong mùa hè. Băng đá được đưa vào cung rất nhiều nhưng để trữ được qua đông, xuân, sang tới hè thì phải đặt chúng trong hầm băng.
Băng đá được cắt thành từng miếng vuông vắn và bằng nhau, rồi vận chuyển về hầm chứa và xếp thành hàng chồng lên nhau. Các lớp băng đều được ép thật chặt, bên trên phủ kín rơm làm từ lúa mì, sau đó phủ tới các lớp đất, như vậy mới có thể bảo quản băng tới mùa hè.
Để có thể lấp kín các hầm băng, những người thợ phải làm việc trong nhiều ngày, thậm chí là hàng tháng. Hầu hết, việc khai thác băng đều diễn ra vào buổi đêm. Có thể nói, đây là công việc hết sức vất vả, tốn nhiều công sức và tiền của.
Hoa quả hay thực phẩm từ các nơi gửi về cống nạp đều được cất giữ ở trong hầm băng. Do nhiệt độ trong hầm băng chỉ khoảng 0 độ nên đồ ăn giữ được độ tươi rất lâu. Tuy nhiên, các hầm băng luôn đóng cửa, chỉ đến mùa hè mới mở ra để Hoàng đế và các phi tần sử dụng như nơi tránh nóng.
Dưới triều đại nhà Thanh, việc sử dụng hầm băng được quy định nghiêm ngặt. Cụ thể, các hầm băng này đều thuộc quyền quản lý của hoàng cung và chỉ được dùng để làm đá cho triều đình. Mỗi một chức năng của hầm băng đều được cấp phép riêng.
Đặc biệt, chỉ có người của hoàng gia mới được phép ra vào hầm băng, còn thường dân không được phép xây dựng hầm băng vào bất cứ mục đích gì. Mãi sau này, khi thời kỳ phong kiến kết thúc, lệnh cấm được dỡ bỏ, nhiều hầm băng tư nhân đã được đưa vào vận hành.
Khi Tử Cấm Thành trở thành điểm tham quan, Ban quản lý bảo tàng Cố Cung đã chuyển đổi hầm băng thành nhà hàng để du khách có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng bàn tay và khối óc sáng tạo của người xưa.
Trên thực tế, việc xây dựng các hầm băng để lưu trữ đá đã có lịch sử lâu dài. Theo sử sách cổ ghi lại, từ thời Tây Chu, phương pháp lưu trữ băng đá tương tự đã xuất hiện. Vào mùa đông, khi các dòng sông bị đóng băng, người ta sẽ cắt lấy những khối băng, dùng phương pháp đặc biệt cất giữ trong hầm và để sử dụng vào dịp hè. |
Đinh Kim (T/h)