Tử Cấm Thành, hay còn gọi Cố Cung, là khu phức hợp cung điện nằm tại khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh (Trung Quốc) với tổng diện tích lên đến 720.000m2. Được xây dựng từ năm 1406 - 1420, Tử Cấm Thành có 980 tòa nhà và được cho là gồm 9.999 căn phòng.
Nhiều du khách khi đến thăm Tử Cấm Thành không khỏi thắc mắc vì sao trong công trình hoành tráng và rộng lớn như vậy lại không có cây xanh. Trên thực tế, cây xanh vẫn được trồng ở khu vực hậu cung và ngự hoa viên là nơi hoàng đế sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Riêng khu vực Tam Đại Điện vô cùng nguy nga gồm điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa không xuất hiện một bóng cây xanh nào. Nguyên nhân đã được các chuyên gia phân tích, lý giải.
Đề phòng thích khách
Thời phong kiến, Hoàng đế được xem như Thiên tử, là con của trời. Địa vị càng cao đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nguy hiểm càng lớn. Năm Gia khánh thứ 18 (1813), một nhánh Thiên Lý Giáo của giáo phái Bạch Liên do Lý Thanh cầm đầu nổi dậy ở nhiều nơi.
Ngày 15/9/1813, Lý Thanh dẫn hơn 200 người cải trang thành thương nhân xâm nhập Bắc Kinh nhằm tìm cách ám sát Hoàng đế Gia Khánh. Thích khách trèo lên cây cao, vượt tường xâm nhập vào sâu trong Tử Cấm Thành nhưng không bắt gặp hoàng đế.
Thời điểm này, vua Gia Khánh đang ở ngoại ô Bắc Kinh nên thoát nạn, sửng sốt khi biết tin có bạo loạn bên trong hoàng cung. Hoàng đế đã hạ lệnh chặt hết cây xanh quanh khu vực Tam Đại Điện ở Tử Cấm Thành để tránh xảy ra trường hợp tương tự.
Đề phòng hỏa hoạn
Đa số các căn phòng tại Tử Cấm Thành đều làm bằng gỗ và gạch ngói, trong khi Bắc Kinh vốn là thành phố ở phương Bắc, có khí hậu rất khô. Nếu trồng cây xanh tại khu vực Tam Đại Điện thì dễ xảy ra hỏa hoạn khi có giông bão do cây có thể hút sét. Điều này khiến lửa lan rộng, khó khống chế.
Thời xưa không có các phương tiện chữa cháy hiện đại nên hỏa hoạn là vấn đề rất nghiêm trọng. Tử Cấm Thành lại rất rộng lớn, nếu chỉ dùng những xô nước nhỏ thì việc dập lửa rất khó khăn.
Vì lý do nói trên, quanh khu vực Tam Đại Điện được thiết kế rất nhiều bể chứa nước lớn dùng để dập lửa. Trên thực tế, ước tính 80 lần Tử Cấm Thành rơi vào cảnh hỏa hoạn. Cả ba đại điện từng bị sét đánh cháy dưới thời Chu Đệ, mất tới 3 năm để phục hồi.
Yếu tố phong thủy
Một lý do khác khiến cây xanh vắng bóng tại ba đại điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa nằm ở yếu tố phong thủy, đặc biệt là ngũ hành. Tử Cấm Thành được coi thuộc mệnh Kim, còn cây thuộc mệnh Mộc. Kim và Mộc vốn tương khắc với nhau, có thể mang đến vận xấu nên cây không được phép mọc tại ba cung điện chính.
Thể hiện sự uy quyền, tôn nghiêm của Hoàng đế
Tử Cấm Thành được chia thành 2 phần chính là Tiền triều và Hậu cung, trong đó Tiền triều là nơi Hoàng đế làm việc, chiếm 1/10 tổng diện tích toàn cung. Khu vực này thể hiện quyền uy tối cao, biểu tượng của Hoàng đế, đồng thời là nơi diễn ra nhiều nghi lễ và thực thi quyền lực.
Vào triều đại nhà Minh cho tới nhà Thanh, các Hoàng đế tự coi mình là Thiên tử (con trời). Tất cả mọi cảnh vật không được phép cao hơn điện Thái Hòa, kể cả cây xanh.
Khi bước chân qua cánh cổng Thiên An Môn, không gian Tử Cấm Thành không một bóng cây càng tạo không khí trang nghiêm. Theo ý kiến của các chuyên gia, chỉ trồng một cái cây cũng sẽ phá hủy bầu không khí trang trọng này.
XEM THÊM: Vì sao 600 năm qua mái cung điện trong Tử Cấm Thành không xuất hiện phân chim, cỏ dại?
Từ cổng chính Thiên An Môn qua Đoan Môn, Ngọ Môn, Thái Hòa Môn, các sân ở giữa đều không có cây xanh, tạo thêm áp lực tâm lý cho quần thần khi vào bái kiến vua.
Bên cạnh đó, hoàng đế được coi là Thiên tử, với hình tượng đại diện là một con rồng, nơi rồng cuộn ắt phải là rộng rãi, thoáng đãng. Cây xanh thu hút chim chóc, sẽ làm mất đi vẻ tôn nghiêm, thiếu sự tôn trọng với hoàng đế.
Đinh Kim(T/h)