+Aa-
    Zalo

    Vì sao hạ mức phạt vi phạm nồng độ cồn tối thiểu?

    (ĐS&PL) - Các chuyên gia cho rằng, đề xuất giảm mức phạt nồng độ cồn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, mang tính nhân văn và điều kiện kinh tế của đại đa số người dân lao động.

    Bộ Công an vừa đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với quy định hiện hành đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức vi phạm tối thiểu) khi tham gia giao thông, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

    Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng, thay vì mức phạt 6 - 8 triệu đồng hiện hành, với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự là 400.000 - 600.000 đồng (quy định hiện tại là 2 - 3 triệu đồng)

    Sau khi dự thảo Nghị định được đưa ra, có nhiều ý kiến đồng tình, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên mức xử phạt cũ. Có ý kiến cho rằng, phải phạt cao để sợ mà không dám vi phạm nồng độ cồn. Nhiều người cũng lo ngại, nếu hạ mức phạt xuống sẽ có nhiều người xem thường, lại lái xe sau khi uống rượu bia, tai nạn giao thông tăng trở lại... Cũng có nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo quy định nêu trên của Bộ Công an, vì phù hợp với thực tiễn cuộc sống, mang tính nhân văn, phù hợp hơn với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của đại đa số người dân lao động.

    Ảnh minh hoạ

    Ảnh minh hoạ

    Thông tin về vấn đề này, Cục CSGT cho biết, cơ sở để đề xuất hạ thấp mức phạt tiền về vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu, là quá trình tiếp thu ý kiến của các ban, bộ, ngành và các ý kiến từ những cá nhân, tổ chức. Trên cơ sở đó, Cục CSGT tham mưu cho Bộ Công an đưa ra mức đề xuất phù hợp, tuy nhiên đây mới chỉ là dự thảo.

    Theo dõi trên thực tiễn hoạt động bảo đảm TTATGT cho thấy việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã đi vào nề nếp trong hơn 2 năm qua, tạo được thói quen cho người dân về việc chấp hành luật an toàn giao thông - "đã uống rượu, bia là không lái xe".

    Vì vậy, một số ý kiến cho rằng việc giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu sẽ tạo tâm lý "chểnh mảng", thiếu sự răn đe. 

    Cục CSGT đưa ra một ví dụ cũng rất thực tế là việc đội mũ bảo hiểm của người dân trong hơn 10 năm qua đã phải trải qua nhiều năm, nhiều hành động quyết liệt mới tạo được thói quen đội mũ bảo hiểm cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Do đó hiện nay việc xử lý nồng độ cồn cũng đã tạo thói quen cho người dân đã sử dụng rượu bia là không lái xe. Việc này đảm bảo an toàn cho chính người dân và những người tham gia giao thông khác.

    Về các ý kiến cho rằng cần giữ nguyên mức phạt về vi phạm nồng độ cồn, dù đã xử phạt nặng, nhưng thực tế 6 tháng đầu năm vẫn còn trên 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó hơn 90% là người điều khiển xe máy bị xử lý.

    Thực tế qua công tác tuần tra, kiểm soát cho thấy ở các đô thị lớn, người điều khiển ô tô và một số người điều khiển xe máy đã không dám uống rượu, bia. Tuy nhiên ở các vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người dân điều khiển xe máy vẫn còn vi phạm.

    "Những ý kiến này lo ngại việc giảm tiền phạt có thể khuyến khích người dân uống rượu bia khi lái xe, dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Thời gian tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội thảo, tiếp tục tiếp thu các ý kiến để xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ quyết định", Cục CSGT cho biết.

    Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội)

     Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội)

    Cùng trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ đồng tình với đề xuất trên của Bộ Công an. Luật sư Vinh cho biết: "Việc giảm mức phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn của Bộ Công an là hoàn toàn chính xác. Bởi nhìn từ các nước khác trên thế giới họ đề có mốc xử phạt nồng độ cồn nhất định. Điều này cho thấy cơ quan quản lý Nhà nước đã có những tiếp thu, có điều chỉnh sau ý kiến phản ánh của người dân trong quá trình thực hiện Nghị định 100.

    Không thể phủ nhận những hiệu quả từ việc mạnh tay xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong thời gian vừa qua, ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông đã nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, nhóm người vi phạm nồng độ cồn ở mức tối thiểu thì nguy cơ gây tai nạn rất thấp. Do đó, mức xử phạt ở nhóm này nên giảm. Chúng ta không nên quy định mức phạt cao với nhóm này vì gây phản ứng trong xã hội".

    Theo Luật sư Vinh, nếu để mức xử phạt cao quá, nhất là đối với các trường hợp đi xe cũ, giá trị không cao, người vi phạm sẵn sàng bỏ lại phương tiện. Điều này gây ra hệ quả, lãng phí xã hội rất lớn. Phương tiện sẽ bị dồn về các bãi xe, việc xử lý bán đấu giá cũng không kịp với việc dồn ứ đó.

    Dưới góc độ người tham gia giao thông, anh Nguyễn Văn Tuấn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình với việc hạ thấp mức phạt tiền về vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu. Đề xuất trên phù hợp với thực tiễn cuộc sống, mang tính nhân văn, phù hợp hơn với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của đại đa số người dân lao động.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-ha-muc-phat-vi-pham-nong-o-con-toi-thieu-a455672.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan