Trong khi các quốc gia phương Tây khác đăng tăng cường viện trợ vũ khí hạng nặng để hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay, Đức lại không làm điều này. Giải thích về việc này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nói kho vũ khí dự trữ của quân đội Đức đã quá cạn kiệt trong khi những vũ khí mà họ có thể viện trợ lại không dễ dàng cho lực lượng Ukraine sử dụng.
Động thái trên của thủ tướng Đức đã khiến ông vấp không ít chỉ trích từ trong và ngoài nước. Các nhà phê bình, bao gồm các đối tác liên minh cấp dưới của ông, cáo buộc ông quá nhút nhát, có thể là do sự dè dặt trong một số lĩnh vực của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), từ lâu đã ủng hộ phương Tây xây dựng quan hệ với Nga.
Khác với hầu hết các đồng minh, trước khi nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/4 vừa qua, Đức đã không viện trợ vũ khí sát thương cho Kyiv. Đây là một phần chính sách của Berlin về việc không đưa vũ khí tới các vùng chiến sự.
Chính sách này từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận, một phần bởi lịch sử chiến tranh của Đức trong thế kỷ 20 với kết quả là chủ nghĩa hoà bình và cảm giác tội lỗi với Liên Xô trong thời Thế chiến II.
Tuy nhiên, vài ngày sau khi Moscow quyết định "động binh", Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố một sự cải tổ mạnh mẽ trong chính sách an ninh và đối ngoại của Berlin nhằm đưa Đức trở thành một quốc gia quyết đoán hơn. Thủ tướng cam kết chuyển giao vũ khí chống tăng và phòng không từ kho dự trữ của quân đội Đức cho Ukraine, tuy nhiên, ông nói rằng sẽ chỉ hỗ trợ những "vũ khí phòng thủ".
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, trong khi chính phủ từ chối nêu chi tiết những gì họ thực sự đã cung cấp cho Ukraine tính đến hiện tại, Lực lượng vũ trang Bundeswehr của Đức đã gửi số vũ khí trị giá tổng cộng 83 triệu euro giá trị cổ phiếu.
Hồi tuần trước, chính phủ Đức cho biết họ đã dành 1,4 tỷ euro để giúp Ukraine mua vũ khí, trong đó có 400 triệu euro dành cho Quỹ Hòa bình châu Âu tài trợ cho Kyiv - gần 1/3 trong tổng số 1,5 tỷ euro ngân sách của nước này.
Ngày càng có nhiều nước phương Tây gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine nhưng Đức không nằm trong số này. Được biết, Lực lượng Bundeswehr đang ở trong tình trạng tồi tệ sau 30 năm từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cả Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Lambrecht đều lập luận rằng việc cung cấp bất kỳ vũ khí hạng nặng nào trong kho dự trữ đều sẽ gây nguy hiểm cho khả năng thực hiện nhiệm vụ của quân đội.
Ông Scholz nhận xét, Ukraine cần vũ khí hạng nặng một cách nhanh chóng. Đã có tin đồn trong ngành công nghiệp Đức về việc đưa các loại vũ khí như xe tăng Leopard 1 hay xe chiến đấu bộ binh Marder cũ trở lại trạng thái hoạt động để gửi tới Ukraine. Nhưng điều này sẽ mất nhiều thời gian.
Giám đốc điều hành công ty sản xuất vũ khí Rheinmetall (RHMG.DE), ông Armin Papperger, hồi giữa tháng 4 cho biết chiếc xe tăng Leopard 1 đầu tiên có thể được giao sau 6 tuần.
Ngày 19/4, ông Scholz cũng nêu vấn đề về sự phức tạp của việc huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống của phương Tây và duy trì và cung cấp phụ tùng thay thế cho họ trong vùng chiến sự.
Theo ông Scholz, đây là lý do vì sao việc cung cấp cho Kyiv những vũ khí hạng nặng được chế tạo thời Liên Xô và vẫn đang được sử dụng hoặc lưu kho với một số đồng minh NATO ở phía Đông là hợp lý nhất.
Một nguồn tin chính phủ cho biết: "Chính phủ Đức không phản đối việc vũ khí hạng nặng được gửi tới Ukraine. Nhưng vấn đề cần bàn là tính khả dụng của vũ khí".
Minh Hạnh (Theo Reuters)