+Aa-
    Zalo

    Vì sao cựu Thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng lãnh án tử hình?

    (ĐS&PL) - HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm, cựu Thủ quỹ Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng mức án cao nhất là tử hình.

    Báo Lao Động đưa tin, ngày 23/7, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án đối với 5 bị cáo về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng (Trường ĐHBK Đà Nẵng).

    Bị cáo Đoàn Quang Vinh (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng, SN 1962, trú quận Sơn Trà) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

    Lâm Thị Hồng Tâm (cựu Thủ quỹ Trường ĐHBK Đà Nẵng, SN 1973, trú quận Hải Châu) và Hoàng Quang Huy (cựu Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Kế toán trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng, SN 1989, trú quận Cẩm Lệ) bị xét xử về tội “Tham ô tài sản”.

    Phạm Thị Huỳnh Như (SN 1987) và Nguyễn Khánh Dương (SN 1997) cùng trú quận Cẩm Lệ bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Các bị cáo Tâm, Như, Dương, Vinh, Huy (theo thứ tự từ trái qua phải) lãnh án tại tòa. Ảnh: Lao Động

    Các bị cáo Tâm, Như, Dương, Vinh, Huy (theo thứ tự từ trái qua phải) lãnh án tại tòa. Ảnh: Lao Động 

    Theo cáo trạng, ngày 3/2/2023, khi phát hiện việc chậm trả tiền lương cho cán bộ, viên chức và học bổng cho sinh viên, Trường ĐHBK Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có sai phạm.

    Từ đây, công an xác định, từ ngày 15/7/2020 đến ngày 10/2/2023, bị cáo Lâm Thị Hồng Tâm, Hoàng Quang Huy đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy đi hơn 186,2 tỉ đồng của Trường ĐHBK Đà Nẵng.

    Để che giấu hành vi chiếm đoạt, bị cáo Tâm và Huy hợp thức hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán…

    Đối với bị cáo Đoàn Quang Vinh khi đang làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (trong giai đoạn từ 1/7/2020 đến 31/12/2022) đã ký séc chi không ghi số tiền cụ thể, không tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị, ký hợp thức các biên bản kiểm tra quỹ hàng tháng của trường vào cuối năm…, buông lỏng quản lý tài sản của nhà trường. Những điều trên đã dẫn đến việc bị cáo Tâm và Huy chiếm đoạt tiền của nhà trường, gây thất thoát tài sản của Nhà nước gần 180 tỉ đồng, theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM. 

    Tại tòa, đại diện VKSND TP Đà Nẵng cho rằng thiệt hại của vụ án lên tới hơn 186 tỉ đồng nhưng mức khắc phục hậu quả lại rất hạn chế. Việc này đã ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của các sinh viên cũng như uy tín của nhà trường, gây bức xúc dư luận. Vì vậy, mức án đưa ra là tương xứng đối với các hành vi phạm tội của các bị cáo.

    HĐXX nhận định hành vi của Tâm và Huy là hành vi phạm tội gây nên thiệt hại nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân ảnh hưởng lớn đến uy tín của Trường ĐHBK Đà Nẵng.

    Bị cáo Vinh, với chức vụ là hiệu trưởng nhưng buông lỏng quản lý, không sát sao để cấp dưới lợi dụng thực hiện phạm tội, tham ô tài sản lớn.

    Đối với Như và Dương, đã chiếm đoạt số tiền rất lớn gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước; dù hiểu biết về pháp luật nhưng bất chấp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nên xử phạt nghiêm khắc, tạo sự răn đe cho xã hội.

    Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Lâm Thị Hồng Tâm mức án tử hình, bị cáo Hoàng Quang Huy cùng Phạm Thị Huỳnh Như mức án chung thân. Bị cáo Nguyễn Khánh Dương bị tuyên phạt 20 năm tù và bị cáo Đoàn Quang Vinh nhận mức án 4 năm tù. 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-cuu-thu-quy-truong-ai-hoc-bach-khoa-a-nang-lanh-an-tu-hinh-a448551.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan