"Theo Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay, không kiểm tra được tài sản của bà Quỳnh Anh vì bà này không còn là công chức, không thuộc diện người phải kê khai tài sản nữa", ông Phí Ngọc Tuyển- Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho hay.
Theo tin tức báo Tri Thức Trực Tuyến, ngày 30/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo về kết quả thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng từ năm 2010-2015, trong đó có trường hợp của bà Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986, ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa).
Kết quả thanh tra cho biết, trong quá trình công tác bà Trần Vũ Quỳnh Anh là nhân viên hợp đồng tại Văn phòng Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa từ năm 2010 đến tháng 12/2010; hợp đồng lao động làm công việc thủ quỹ, văn thư tại Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng) từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2012; cán bộ rồi Phó trưởng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản nhưng chưa phát hiện được bà Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng.
Đến thời điểm thanh tra, bà Trần Vũ Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức, vì vậy chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh.
Căn biệt thự được cho là bà Quỳnh Anh. Ảnh: Thanh Niên |
Trong quá trình khai lý lịch đảng viên, khai phiếu đảng viên và khai phiếu bổ sung đảng viên hàng năm, bà Quỳnh Anh ngoài việc vi phạm về kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực, còn vi phạm quy định không "khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình".
Liên quan đến vụ việc, trả lời PV báo Dân Trí, ông Phí Ngọc Tuyển- Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết: Theo Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay, không kiểm tra được tài sản của bà Quỳnh Anh vì bà này không còn là công chức, không thuộc diện người phải kê khai tài sản nữa.
"Trường hợp bà Quỳnh Anh có một số năm kê khai tài sản thì có thể xem xét được. Còn khoảng thời gian sau này - từ khi bà này không còn là công chức, trở về làm người dân bình thường thì không thể kiểm tra được.
Cũng có thể có tình huống, nếu bà Quỳnh Anh "rơi" vào một vụ án, điều tra theo vụ án thì lại khác. Bất kỳ công dân nào "rơi" vào một vụ án thì đều bị điều tra theo luật tố tụng hình sự.
Bây giờ xác minh thì có thể sẽ nảy ra chuyện tài sản đó được cho là hình thành khi không còn là cán bộ, công chức nữa", ông Phí Ngọc Tuyển cho hay.
Trong kết luận thanh tra của tỉnh Thanh Hóa chỉ ra rằng, bà Trần Vũ Quỳnh Anh vi phạm quy định không "khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình". Về vấn đề này, ông Tuyển cho rằng, Sở Xây dựng Thanh Hóa có trách nhiệm khi để xảy ra chuyện như vậy.
"Thủ trưởng Sở Xây dựng và cán bộ của Sở này phải chịu trách nhiệm, nhưng cũng chỉ là xử lý hành chính việc không kê khai thôi. Chế tài của mình chủ yếu là hành chính, chưa có chế tài hình sự trong việc ấy.
Trong hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới, người ta đưa tội làm giàu bất chính vào pháp luật hình sự, nhưng pháp luật hình sự của nước mình chưa có quy định như vậy. Không kê khai hay kê khai chậm tài sản thì chỉ bị kỷ luật thôi", báo Dân Trí dẫn lời ông Tuyển.
Trước kết luận thanh tra tài sản của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, theo báo Tiền Phong, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (thành viên đoàn giám sát về cải cách bộ máy hành chính tại Thanh Hóa vừa qua) cho rằng, kết luận này chưa ổn.
Theo ông Vân, dư luận đặt ra 2 vấn đề: “Quan lộ thần tốc” và tài sản kếch xù của bà Quỳnh Anh. Vậy thì mối quan hệ giữa hai việc đó thế nào? Có yếu tố lạm quyền, lợi dụng quan hệ, quyền hạn trong chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của mình để trục lợi, tham nhũng trong giai đoạn cô ấy chưa thôi việc không? Đó là khoảng thời gian người ta đặt ra sự nghi ngờ. Tỉnh Thanh Hóa phải làm rõ và trả lời cho công luận. Còn tài sản của cô ấy từ nay về sau thì không ai đặt vấn đề xem xét cả.
"Bên cạnh đó, kết luận thanh tra khẳng định không có dấu hiệu tham nhũng, vậy tài sản của bà Quỳnh Anh mà báo chí và dư luận phản ánh có đúng không? Nếu có thì ở đâu ra? Trước khi được bổ nhiệm làm trưởng, phó phòng, bà Trần Vũ Quỳnh Anh có kê khai tài sản không?", đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.
Tổng hợp