(ĐSPL) - Trong vòng vài giờ, đàm phán 4 bên ở Geneva đã đạt được một thỏa thuận mang lại hy vọng cho khủng hoảng Ukraina đang tuột khỏi tầm kiểm soát.
Trên thực tế, Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu và Ukraina đều cảm thấy hài lòng vì đã đạt được mục tiêu tối thiểu ban đầu. Để đạt được điều này, các bên đã không đưa vào Thỏa thuận Geneva những vấn đề mà phía bên kia không bao giờ chấp nhận, trong khi các vấn đề khác thì chưa rõ liệu “lời nói có biến thành hành động” hay không.
|
Cuộc họp bốn bên bàn về Ukraina ở Geneva. |
Hãng tin AP đã phân tích một số nguyên nhân khiến cho Thỏa thuận Geneva được các bên nhanh chóng chấp nhận:
Nga
Việc ký kết Thỏa thuận Geneva giúp nâng cao vị thế của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina và trong việc giám sát Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), một tổ chức mà Matxcơva vốn cho là thiên vị phương Tây.
Đồng thời, Nga cũng loại bỏ được nguy cơ bị Mỹ và EU trừng phạt hơn nữa. Mặc dù các quan chức Nga đã công khai chế nhạo các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng thị trường cho rằng Matxcơva cũng đã bắt đầu cảm nhận được tác động của các biện pháp trừng phạt.
|
Trước khi khai mạc Cuộc họp 4 bên về Ukraina, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thảo luận kín với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. |
Nga đã cố thúc đẩy liên bang hóa Ukraina và dành cho các khu vực nhiều quyền lực hơn, với mục đích duy trì miền đông Ukraina chủ yếu nói tiếng Nga trong tầm ảnh hưởng. Mặc dù tài liệu cuối cùng của thỏa thuận không đề cập cụ thể đến liên bang hóa, nhưng lại nói về một “quá trình hiến pháp sâu rộng, minh bạch và có trách nhiệm”. Điều này có nghĩa là liên bang hóa sẽ vẫn là vấn đề hàng đầu.
Đáng chú ý, thỏa thuận này không đề cập đến Crimea, khu vực đã sáp nhập vào Nga hồi tháng trước. Nhưng thỏa thuận này cũng không nói gì về mong muốn chính của Nga là Ukraina không bao giờ gia nhập NATO.
Ukraina
Khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang, chính phủ tạm quyền ở Ukraine xem ra chỉ giữ vai trò thứ yếu . Nhưng tuyên bố chung kêu gọi "đối thoại quốc gia toàn diện" đã đặt trách nhiệm lên chính phủ này và công nhận ảnh hưởng của nó.
|
Cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và quyền Ngoại trưởng Ukraina (phải) đều cảm thấy hài lòng. |
Chính phủ tạm quyền Ukraina cũng được giao nhiệm vụ một nhiệm vụ khó khăn hơn là cố gắng thực hiện tuyên bố kêu gọi giải giáp các nhóm vũ trang bất hợp pháp và giải tỏa các công sở bị chiếm đóng bất hợp pháp. Các nhà chức trách Ukraina sẽ phải thực hiện việc này ở cả miền đông, nơi quân nổi dậy ủng hộ Nga đang chiếm giữ các công sở, và tại thủ đô Kiev, nơi mà các nhóm tự vệ quốc gia vẫn tuần tra trung tâm thành phố và những người biểu tình ngoan cố vẫn còn cắm trại ở Quảng trường Maidan.
Sau khi đạt được thỏa thuận, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov nói với các phóng viên rằng Nga không có ý định đưa quân vào miền đông Ukraina. Tuyên bố của ông Lavrov tại Geneva có thể khiến cho phía Ukraina cảm thấy an tâm phần nào.
Thỏa thuận này cũng đề cập đến khả năng viện trợ tài chính nhiều hơn cho Ukraina.
Mỹ
Về phần mình, Washington cũng tránh được việc làm không mấy dễ chịu là áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới hoặc gây thêm áp lực đối với Nga.
Mặc dù Mỹ cũng muốn Nga từ bỏ việc chiếm đóng bán đảo Crimea, nhưng việc tuyên bố chung im lặng về vấn đề này cho thấy Washington đã hạ thấp một số yêu sách.
|
Việc tuyên bố chung im lặng về vấn đề Crimea cho thấy Washington đã hạ thấp một số yêu sách. |
Mục đích chính của Mỹ là tìm cách làm cho Nga chấm dứt hành động khiêu khích ở miền đông nhằm khiến cho Ukraina mất ổn định. Đây là điều mà phía Nga liên tục chối bỏ. Cam kết của Nga trong một diễn đàn quốc tế nhằm giảm căng thẳng leo thang ở Ukraina có thể gây “áp lực ngược” đối với Matxcơva.
Liên minh Châu Âu
Giống như Mỹ, 28 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) cũng tránh được việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Matxcơva vốn gây nhiều khó khăn cho các nước thành viên đang nhập khẩu khí đốt Nga.
|
Mỹ và Châu Âu đều tránh được việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga. |
Liên minh Châu Âu cũng muốn phe nổi dậy ủng hộ Nga ngừng chiếm giữ các công sở ở miền đông Ukraina. Vì vậy Châu Âu sẽ rất hài lòng nếu các tay súng ly khai tuân thủ Thỏa thuận Geneva - hoặc phía Ukraina có thể giải tỏa các công sở này. Đây là một trong những mối quan tâm hàng đầu của EU.
Liên minh Châu Âu cũng không đả động đến chuyện làm cho Ukraina có quan hệ kinh tế gần gũi hơn với EU. Đây là một trong những vấn đề đã châm ngòi làn sóng biểu tình phản đối lật đổ Tổng thống Yanukovich và dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-cac-ben-deu-hi-ha-ve-thoa-thuan-geneva-a29832.html