(ĐSPL) - Tình hình Ukraina đòi hỏi cải cách hiến pháp sâu sắc và minh bạch, với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị và khu vực.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đưa ra nhận định như trên. Trước đó, ông đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bàn về những cơ hội từ bên ngoài giúp đỡ Ukraina vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ. Các bên nhất trí về sự cần thiết tạo lập một hình thức hỗ trợ quốc tế tối ưu cho các cuộc đối thoại dân tộc ở Ukraina, giúp người Ukraina tự mình quyết định số phận đất nước.
|
Cảnh sát và những người biểu tình ở miền đông UKraina |
Ở mạn đông nam Ukraina tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Kể từ khi diễn ra sự thay đổi chế độ ở Kiev vào cuối tháng Hai, các cuộc biểu tình không ngừng được tổ chức tại Kharkov, Donetsk, Lugansk và các thành phố lớn khác ở phía đông nam Ukraina. Người dân bày tỏ sự nghi ngờ những nhân vật do một nhóm người có vũ trang đưa lên lãnh đạo đất nước và từ chối thực hiện những mệnh lệnh vi phạm quyền lợi công dân cũng như lợi ích dân tộc.
Ngày 7/4, những người hoạt động xã hội tích cực ở Kharkov đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Kharkov. Hội đồng nhân dân họp tại Donetsk cũng thực hiện một tuyên bố tương tự. Các quyết định sẽ có hiệu lực sau cuộc trưng cầu dân ý ở các tỉnh. Tuy nhiên, Kiev đánh giá những sự kiện này như một mối đe dọa khủng bố và điều động lực lượng vũ trang tới khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cảnh báo rằng tình hình có nguy cơ biến thành cuộc nội chiến quy mô lớn: “Theo các thông tin có được, các đơn vị Bộ Nội vụ và Lực lượng Cảnh vệ quốc gia Ukraina với sự tham gia của chiến binh cánh hữu vũ trang bất hợp pháp… đang kéo tới các khu vực đông nam Ukraina, đặc biệt là Donetsk. Lực lượng này có nhiệm vụ trấn áp người dân phản đối chính sách của chính quyền Kiev hiện nay. Điều đáng lo ngại là trong chiến dịch có mặt khoảng 150 chuyên gia Mỹ từ tổ chức quân sự tư nhân Greystone mang trang phục cảnh sát địa phương”.
Thay vì cố gắng tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi tình trạng ngòi nổ nguy hiểm, Kiev đã chọn cách đổ lỗi cho Nga và bác bỏ sáng kiến liên bang hóa đất nước. Trong khi đó, chế độ liên bang hứa hẹn đem lại cho cư dân đông và tây Ukraina cơ hội tiếp tục chung sống hòa bình trong khuôn khổ một nhà nước thống nhất,
Phó Chủ tịch Viện Duma Quốc gia Nga Sergei Zheleznyak nhận định: “Nhiều quyền hạn hơn cho các khu vực. Công bằng trong việc phân phối quỹ thuế giữa khu vực và trung ương. Sự tham gia lớn hơn của người dân vào việc xác định các vấn đề phát triển quan trọng của đất nước. Đó là ý nghĩa của việc liên bang hóa. Hầu hết các quốc gia đa dân tộc đã lựa chọn qui chế liên bang. Bởi vì đây là cơ hội cho người nhân của các dân tộc khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, cùng chung sống trên mảnh đất chung.”
Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Bên trong nhà nước liên bang này có hàng chục bang và lãnh thổ liên kết. Hiến pháp Ấn Độ ghi nhận 22 ngôn ngữ địa phương chính thức và thậm chí cả tiếng Anh như ngôn ngữ giao tiếp giữa các dân tộc. Tình huống tương tự diễn ra ở Thụy Sĩ. 20 bang và 6 tiểu bang Thụy Sĩ bình yên cùng tồn tại với 4 ngôn ngữ chính thức.
Người ta không hiểu vì sao mà phương Tây – trong đó có Mỹ và Đức đều là những quốc gia liên bang - lại không chấp nhận việc liên bang hóa Ukraina.
Trong 10 ngày tới, Nga, Mỹ và EU có khả năng nhóm họp để đàm phán về tình hình Ukraina. Theo quan điểm của Nga, đất nước Ukraina đa dân tộc cần có cơ hội tự quyết định vận mệnh của mình để tồn tại và phát triển.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-ukraina-doi-hoi-giai-phap-chinh-tri-a28612.html