(ĐSPL) - Đảm bảo quyền lợi của người dân nói tiếng Nga là vấn đề chính để giải quyết tình hình Ukraina.
Điều này đã được Tổng thống Nga tuyên bố trong chương trình truyền hình trực tiếp “Đối thoại với Vladimir Putin” được tổ chức trong khuôn khổ cuộc đối thoại truyền thống với người dân Nga. Đề cập đến điều này, Tổng thống Putin tin tưởng rằng cuộc bầu cử các cơ quan chính quyền hợp pháp mới của Ukraina là không thể thực hiện nếu không cải cách hiến pháp.
|
Tổng thống Putin: Bầu cử các cơ quan chính quyền hợp pháp mới của Ukraina là không thể thực hiện nếu không cải cách hiến pháp. |
Đối thoại giữa Tổng thống Putin với người dân Nga qua đường dây trực tiếp đến năm nay là lần thứ 12 được tổ chức. Nhưng trong cuộc đối thoại năm nay, lần đầu tiên các vấn đề xã hội đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Giành được sự quan tâm trước tiên của người dân Nga là tình hình tại nước láng giềng Ukraina anh em. Ở đó, những người tiếm quyền đã đẩy tình hình đất nước đến bờ vực của một cuộc nội chiến. Cứu vãn được tình thế chỉ có thể là một cuộc đối thoại thực sự giữa Kiev với người dân.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định: “Hy vọng rằng, tất cả chúng ta cho dù thế nào cũng sẽ hiểu được rằng chính quyền Kiev hiện nay đang tiến đến và kéo theo đất nước mình đến vực thẳm. Và xét về phương diện này, tôi coi sự mở đầu của cuộc đàm phán bốn bên (Nga, Mỹ, EU, Ukraina) ở Geneva là rất quan trọng. Bởi vì theo quan điểm của tôi, điều rất quan trọng hiện nay là phải cùng nhau suy nghĩ về chuyện làm thế nào để thoát ra khỏi tình hình hiện nay, phải tổ chức cho các bên một cuộc đối thoại thực sự, chứ không phải là cuộc đối thoại giả tạo. Vì các nhà lãnh đạo Kiev hiện nay có đến vùng phía đông của đất nước, nhưng chỉ gặp những người được họ bổ nhiệm. Mà nói chuyện thì phải nói với mọi người và những đại diện thực tế, nói với những người mà mọi người tin cậy. Chỉ có trong quá trình đối thoại, trong tiến trình của các thủ tục dân chủ, chứ không phải sử dụng các lực lượng vũ trang, xe tăng và máy bay… mới có thể thiết lập được trật tự trong nước”.
Thay vì vậy, Kiev lại muốn đổ vấy tội cho Matxcơva và buộc tội Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraina. Họ thuyết phục phương Tây tin rằng, các cuộc biểu tình phản đối ở đông nam Ukraina không phải do người dân địa phương tiến hành mà là do cơ quan tình báo của Nga thực hiện. Tất cả những điều đó thật vớ vẩn!
Tổng thống Vladimir Putin bức xúc nói: “Ở đông Ukraina không có bất cứ đơn vị quân đội nào của Nga, chẳng có cơ quan tình báo nào, cũng chẳng hề có người chỉ đạo nào của Nga hết. Tất cả họ là người dân địa phương. Và bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy điều đó là những người này, theo đúng nghĩa của từ này, đã cởi bỏ mặt nạ. Tôi đã khuyên các đối tác phương Tây nói chuyện với chính những người đó, bởi vì họ là những chủ nhân của vùng đất và họ sẽ không rời đi bất cứ đâu”.
Tổng thống Putin khẳng định rằng cơ sở của các mối quan hệ - kể cả mối quan hệ giữa con người với nhau và các quan hệ chính trị - đều phải dựa trên sự tôn trọng. Tình trạng bất ổn ở đông nam Ukraina nảy sinh, sau khi nhà chức trách Kiev hiện tại đòi cấm dân chúng nói tiếng Nga sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Hơn nữa, chính quyền Kiev công khai ủng hộ các bài phát biểu của các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc. Đơn giản chỉ là nhóm dân thiểu số ở miền đông nam Ukraina đã lo sợ cho tương lai của bản thân, cũng như tương lai của con em mình.
Những lo ngại như vậy của số dân nói tiếng Nga ở Crimea đã dẫn đến việc các cư dân của bán đảo này tiến hành các biện pháp triệt để. Họ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với kết quả không thể ngờ vực: người dân Crimea không muốn phục tùng các chính trị gia đã chiếm đoạt quyền lực ở Kiev bằng con đường bạo lực. Người dân Crimea chỉ nhìn thấy những cam kết về tự do và an ninh cho họ từ Matxcơva. Nga tôn trọng sự thể hiện ý nguyện của nhân dân Crimea và đã tiếp nhận Crimea vào thành phần Liên bang Nga. “Trong hoàn cảnh này chúng tôi đã không thể hành động khác!”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các nước phương Tây đã chối bỏ quyền tự quyết của người dân Crimea. Thậm chí, họ trừng phạt Nga về chính trị và kinh tế. Cân nhắc cách hành xử của Mỹ và châu Âu, có thể Nga sẽ phải tập trung nỗ lực xích lại gần với các nước Châu Á - như thành lập liên minh chính trị-quân sự với Trung Quốc chẳng hạn - một nội dung đã được đề xuất với ông Putin.
|
Tổng thống Putin không tán thành ý tưởng thành lập một liên minh quân sự, nhưng xác nhận rằng mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được củng cố. |
Tổng thống Putin không tán thành ý tưởng thành lập một liên minh quân sự, nhưng xác nhận rằng mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được củng cố. Ông nói: “Chúng tôi không đặt ra vấn đề tạo lập một liên minh chính trị-quân sự nào đó với Trung Quốc. Hệ thống liên minh trên thế giới nói chung đã lỗi thời. Nhưng việc Nga mở rộng hợp tác với Trung Quốc là điều hoàn toàn hiển nhiên. Trung Quốc đang dần trở thành một cường quốc số 1 trong lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, trước đây chúng ta chưa khi nào có các mối quan hệ tin cậy đến như vậy trong lĩnh vực quân sự. Chúng ta đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung cả trên biển lẫn trên đất liền, cả ở Trung Quốc lẫn ở Nga. Và tất cả những điều này là cơ sở để chúng ta nói rằng, mối quan hệ Nga-Trung sẽ là yếu tố cơ bản của nền chính trị thế giới và sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến nền kiến trúc hiện nay của các mối quan hệ quốc tế”.
Về việc mở rộng NATO sang phía Đông, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Matxcơva không cảm thấy sợ hãi về điều này. Trước đây liên minh này đã nhiều lần cam kết rằng, họ không đưa ra các kế hoạch như vậy. Thế nhưng về sau với sự hỗ trợ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, NATO ngày càng tiến sát đến biên giới Nga. Tổng thống Putin nói rõ: “Nhưng trong lúc mà cơ sở hạ tầng của khối liên minh quân sự này đang tiến sát đến Nga, thì điều này tạo ra cho chúng tôi những nghi vấn và những lo ngại nhất định. Chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đáp trả nào đó. Và cũng không một ai có thể khiến chúng tôi từ bỏ việc thực hiện các biện pháp này”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/putin-van-de-ukraina-trong-yeu-doi-voi-nguoi-nga-a29708.html