Theo Giáo dục và Thời đại, sở GD&ĐT Cà mau vừa có văn bản gửi các đơn vị về việc dừng tổ chức các lớp học trực tuyến cấp tiểu học. Sở giao Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn thực hiện việc hướng dẫn học sinh tự học tại nhà.
Các nhà trường sẽ xây dựng các chuyên đề, câu hỏi để học sinh ôn tập, rèn luyện tại nhà (hoặc chuyển cho phụ huynh hướng dẫn) thông qua hình thức gián tiếp như trên Zoom, Zalo, Gmail hoặc Facebook.
Trong khi đó, các khối lớp 6, 7, 8 tiếp tục tổ chức các lớp học trực tuyến với trọng tâm là ôn tập, củng cố, bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho học sinh, chưa tổ chức dạy học chương trình chính khóa năm học mới 2021 – 2022.
Lớp 9 và cấp học THPT tiếp tục tổ chức dạy và học trực tuyến theo chương trình chính khóa. Riêng cấp học mầm non vẫn tiếp tục nghỉ học tới khi có thông báo mới.
Toàn tỉnh Cà Mau có 4 trường được thí điểm dạy học trực tiếp, gồm Tiểu học Hòa Mỹ 1 (huyện Cái Nước), Tiểu học Thới Bình C (huyện Thới Bình), THCS Hàm Rồng (huyện Năm Căn) và THCS Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời). Các trường này sẽ tiếp tục tổ chức dạy học.
Liên quan đến việc dừng dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học sau 1 tuần triển khai, Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, thống kê của sở cho thấy tỷ lệ học sinh học trực tuyến ở cấp tiểu học đạt 84%, cấp THCS đạt 90%, cấp THPT đạt 95%. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 60% học sinh trong số đó học có chất lượng, số còn lại có tham gia học nhưng hiệu quả không cao, cấp học càng nhỏ thì hiệu quả càng thấp.
Thêm vào đó, theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 13.884 học sinh chưa có thiết bị để học trực tuyến, trong đó khoảng 500 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được sở GD&ĐT Cà Mau hỗ trợ điện thoại để học.
Ông Nguyễn Minh Luân nhận định, nguyên nhân dẫn tới việc học trực tuyến không đạt hiệu quả cao là do học sinh đầu cấp mới tuyển chưa được hướng dẫn trực tiếp nên các em gặp khó khăn trong việc đăng nhập vào lớp học trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số giáo viên chủ nhiệm không liên lạc được với học sinh và gia đình các em. Thao tác và sử dụng máy tính, điện thoại thông minh của học sinh cũng chưa nhanh.
Bản thân các giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn khi dạy trực tuyến. Giáo viên không thể bao quát và kiểm soát được việc học của từng học sinh do sĩ số lớp đông. Không chỉ vậy, đa số các trường không đủ máy tính để giáo viên dạy trực tuyến, phải huy động máy tính cá nhân của giáo viên.
Giám đốc sở GD&ĐT Cà Mau chia sẻ: "Trình độ công nghệ thông tin của một số giáo viên còn yếu, chưa thành thạo khi sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, nhất là các giáo viên tiểu học. Hơn nữa, không phải giáo viên nào cũng có thể chuyển bài giảng trực tiếp sang trực tuyến một cách hấp dẫn".
Sự hợp tác chưa tốt của một số phụ huynh cũng là yếu tố khiến việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả chưa cao. Các cha mẹ thường lo lắng con sẽ chơi game, lướt mạng xã hội, không chú tâm tới việc học khi được giao cho máy tính, điện thoại.
"Một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học trực tuyến của con em mình, một phần họ không hiểu, một phần không có thời gian, khả năng theo dõi, quản lý con học tập.
Một số ít phụ huynh chưa hợp tác, phó thác trách nhiệm cho nhà trường. Cá biệt, có những phụ huynh không muốn cho con học trực tuyến vì cho rằng không chất lượng. Một số gia đình có nhiều con nhưng chỉ có một thiết bị học trực tuyến nên khó khăn trong việc học", ông Luân cho hay.
Một yếu tố khác gây cản trở không nhỏ đến việc dạy học trực tuyến là đường truyền Internet chưa được đảm bảo, quá tải và chập chờn. Học sinh và giáo viên gặp khó khăn khi kết nối đăng nhập, nhiều lúc không vào lớp được, bài học bị dang dở.
Sau 1 tuần triển khai học trực tuyến, hiệu quả dạy học ở bậc tiểu học thấp nhất trong các bậc học. Nhận thấy việc dạy học trực tuyến không phù hợp với giáo viên và học sinh ở cấp học này, ngành giáo dục Cà Mau đã quyết định dừng lại.
Đinh Kim (T/h)