Có một số trường hợp giáo viên chủ nhiệm không liên lạc được với học sinh và gia đình các em. Việc thao tác và sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, một số học sinh còn chậm. Do cùng một giờ dạy giáo viên phải tương tác với nhiều học sinh nên khó kiểm soát được việc học của từng em.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Minh Luân cho biết, phần lớn các trường không đủ máy tính để giáo viên dạy trực tuyến mà phải huy động máy tính của cá nhân giáo viên. Trình độ công nghệ thông tin của một số ít giáo viên còn yếu, chưa đủ năng lực để sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến; chưa quen, chưa thành thạo trong việc dạy trực tuyến, nhất là giáo viên dạy cấp tiểu học. Hơn nữa, việc soạn bài giảng trực tuyến mất nhiều thời gian và công sức của giáo viên.
Một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học trực tuyến của con em, một phần vì không hiểu, một phần vì không có thời gian, khả năng theo dõi, quản lý con em học tập. Một số ít phụ huynh chưa hợp tác, phó thác trách nhiệm cho nhà trường. Cá biệt, có những phụ huynh không muốn cho con học trực tuyến vì cho rằng không chất lượng. Một số gia đình có nhiều con cùng sử dụng một thiết bị cho việc học trực tuyến nên khó khăn trong việc học. Bên cạnh đó, tâm lý phụ huynh lo sợ giao máy tính, điện thoại các em chỉ tập trung chơi game, tham gia vào các mạng xã hội, không lo học.
Ngoài các nội dung trên, VTV News cho biết thêm, ngành giáo dục Cà Mau tiếp tục duy trì việc thí điểm dạy trực tiếp cho hơn 1.300 học sinh tại 4 trường học trên địa bàn, gồm: Tiểu học Hòa Mỹ 1 (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước); Tiểu học Thới Bình C (xã Thới Bình, huyện Thới Bình); THCS Hàm Rồng (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) và THCS Khánh Bình Tây Bắc (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).
Bích Thảo(T/h)