(ĐSPL) - Trương Phúc Loan đã dùng nhiều cách dẫn dụ chúa Nguyễn vào con đường tửu sắc, bỏ bê việc nước hòng âm mưu chiếm đoạt quyền lực sau này.
Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Trương Phúc Loan là con thứ của Thái bảo Phan quốc công Trương Phúc Phan và cũng là cậu ruột của chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Nhờ vậy, mặc dù không có công trạng nhiều với triều đình nhưng ông vẫn được chúa Nguyễn cho làm phụ chính. Phúc Loan đã dùng nhiều cách dẫn dụ chúa Nguyễn vào con đường tửu sắc, bỏ bê việc nước hòng âm mưu chiếm đoạt quyền lực sau này.
Để thực hiện ý đồ này, Phúc Loan đã tạo điều kiện để Võ vương quan hệ với người em chú bác ruột của chúa là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu (con của Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền, là em ruột của chúa Ninh vương Nguyễn Phúc Chú, cha của Võ vương). Và Võ vương đã nhanh chóng bị mê hoặc bởi vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của công chúa Ngọc Cầu. Những ngày đầu họ còn vụng trộm, nhưng càng về sau Võ vương càng say mê đến nỗi không thiết lâm triều, phó mặc việc nước cho Trương Phúc Loan, bất chấp cả lời can gián của các triều thần. Về sau, Ngọc Cầu đã sinh được người con trai tên là Nguyễn Phúc Thuần. Để tránh tai tiếng, nên Nguyễn Phúc Thuần được nuôi kín ở hậu cung. Nhưng cũng từ đó, Ngọc Cầu luôn nghĩ cách làm sao cho mình phải chính thức là Vương phi, con nàng phải nối nghiệp cha, phải giành được ngôi chúa. Điều này phù hợp với ý đồ bấy lâu nay của Trương Phúc Loan. Nhưng trước đó, Võ vương đã chọn Nguyễn Phúc Hậu là người kế nghiệp.
|
Ảnh minh hoạ |
Khi hoàng tử Nguyễn Phúc Hậu chết non, Ngọc Cầu không bỏ lỡ cơ hội và ra sức dỗ dành Võ vương cho con mình kế vị. Các quan trong triều biết được âm mưu của Ngọc Cầu, nên đã ra sức can ngăn Võ vương không nên lập chúa bé. Do đó, Võ vương không dám nghe theo lời uốn éo của Ngọc Cầu và định lập con của Trương Thái phi là Nguyễn Phúc Côn (Luân) làm thái tử, rồi chỉ định hai viên quan nổi tiếng thanh liêm là Thái phó Y đức hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỳ chuyên lo giáo huấn cho hoàng tử Nguyễn Phúc Luân.
Thấy tình hình như vậy, Ngọc Cầu lo lắng và bàn với Trương Phúc Loan tìm cách đối phó. Tháng 7 năm 1765 (tức tháng 5 năm Ất Dậu), chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, để lại di chiếu nhường ngôi cho công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân năm ấy 33 tuổi. Tuy nhiên, do biết Phúc Luân là người thông minh, quyết đoán khó lấn quyền được nên Trương Phúc Loan đã âm mưu cùng Ngọc Cầu không chịu phát tang và lập tức cho gọi 100 võ sỹ nấp sẵn trong vương phủ. Sau đó lại cho gọi Thái phó Y Đức hầu Trương Văn Hạnh vào bàn việc. Trương Phúc Loan ra tiếp và ném cây đèn xuống giường làm hiệu, ngay lúc đó các vệ sỹ xông ra giết chết Y Đức, bắt giam Nguyễn Phúc Luân và tôn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa, xưng hiệu là Định Vương. Cũng trong năm đó, Nguyễn Phúc Luân buồn chán và uất ức vì cảnh tranh giành quyền lực nên lâm bệnh nặng rồi mất vào ngày 24 tháng 10 năm 1765.
Từ đó, mọi việc trong triều từ đối nội đến đối ngoại đều lọt vào tay Quốc phó Trương Phúc Loan, Ngọc Cầu chỉ giúp đỡ con phần nào. Chính sự Đàng Trong khi ấy ngày càng lâm vào tình trạng đổ nát. Từ loạn luân trong cung cấm đến loạn nước, tội của Ngọc Cầu và Phúc Loan ngày càng chồng chất. Sau này, Trương Phúc Loan phải chịu một cái chết thương tâm...
Luật nay: Một người thực hiện hành vi phạm tội nếu chưa bị Toà kết án thì chưa bị coi là có tội Như vậy, theo các tài liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay thì Trương Phúc Loan được sinh ra trong một gia đình quý tộc quyền thế. Bản thân ông là cậu ruột của chúa Nguyễn Phúc Khoát, vì vậy quyền thế của ông ta lấn át cả triều đình cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì có quyền lực trong tay, Trương Phúc Loan ngày càng tham lam và tàn bạo đến vô độ. Và phàm là những kẻ bạo ngược tham lam, thế nào rồi cũng có một kết cục bi thảm. Mặc dù thời xưa, hành vi, việc làm, tội lỗi của Trương Phúc Loan là chồng chất, không thể tha thứ được nhưng pháp luật rất công tâm và không buộc tội một ai khi chưa có bản án kết luận của toà án được. Theo đó, hành vi của Trương Phúc Loan phải có một căn cứ xác đáng, bằng chứng cụ thể để buộc tội ông. Đồng thời, người dân phải làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, từ đơn tố giác ấy, cơ quan chức năng mới có căn cứ để ra quyết định điều tra vụ án. Một người thực hiện hành vi phạm tội nếu họ chưa bị toà án kết án thì họ chưa bị coi là có tội. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác phải có thái độ tôn trọng họ khi tiến hành các hoạt động tố tụng cần thiết có liên quan đến thân thể và tài sản của họ (việc bắt giữ hoặc kê biên tài sản nhằm đảm bảo cho quá trình chứng minh tội phạm). Đây là nguyên tắc cơ bản, nhằm đảm bảo các quyền tự do dân chủ của công dân được quy định trong Hiến pháp và Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự nước ta. Theo nguyên tắc này thì: Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là họ vẫn phải chịu một số biện pháp cưỡng chế nhất định, nhưng không ai được xem là có tội và không chịu bất kỳ một hình phạt nào khi chưa có bản án của toà án đã có hiệu lực pháp luật. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-quan-tham-lam-quyen-luc-den-cuoi-doi-chet-trong-bi-thuong-a32542.html