(ĐSPL) – Listeria monocytogenes là vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm, được phát hiện có trong một số sản phẩm táo Mỹ.
Listeria monocytogenes nguy hiểm như thế nào?
Listeria monocytogenes có trong táo nhập khẩu từ Mỹ không những là vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm mà còn có thể gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng đệm và màng ối, sinh non, sảy thai và thậm chí là tử vong ở trẻ sơ sinh.
Theo báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC), tính tới ngày 9/1/2015, đã có 32 người nhiễm Listeria monocytogenes. Trong đó có ít nhất 3 người tử vong, 10 ca trong số đó đang mang thai và 1 ca bị sảy thai. 25/ 28 người nhiễm được phỏng vấn có ăn sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn.
Đáng lưu ý dù tỷ lệ mắc bệnh không cao (khoảng 0,7 ca/100.000 người) nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao, có thể tới 20 – 30\%, đặc biệt ở phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người già và những người suy giảm miễn dịch. Hiện nay có nhiều trường hợp sảy thai ở Việt Nam nhưng do việc xác định nguyên nhân sảy thai chưa được chú ý nên khuẩn Listeria monocytogenes bị bỏ qua.
Listeria monocytogenes có trong táo nhập khẩu từ Mỹ là vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm nguy hiểm. |
Cơ chế lây lan
Listeria monocytogenes có thể phát triển trong những điều kiện nhiệt độ 4 độ C - môi trường mà một số vi khuẩn không phát triển được.
Theo thông tin trên Vietnamplus, từ đường tiêu hóa, vi khuẩn xẩm nhập vào máu và các mô, bao gồm cả bánh rau của phụ nữ có thai. Từ đó vi khuẩn xâm nhập vào các tế bào mẫn cảm và nhân lên nhiều lần trong các tế bào này.
Người có nguy cơ cao nhất là trẻ sơ sinh, người trung niên, người bị tổn thương hệ miễn dịch và phụ nữ có thai. Bệnh do nhiễm khuẩn Listeria (hay còn gọi là bệnh Listeriosis) có hai thể:
- Listeriosis khu trú ở ruột: bệnh chỉ khu trú ở hệ thống tiêu hóa (người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng nhẹ giống như bị cúm thường như sốt và đau mỏi cơ cũng như có hiện tượng tiêu chảy).
- Listeriosis thể lan tỏa và xâm nhiễm: Sự nhiễm bệnh không tập trung tại đường tiêu hóa mà còn xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm trùng máu hoặc lan sang cả hệ thần kinh trung ương và não bộ gây viêm màng não.
Những người có hệ miễn dịch yếu có thể làm cho tình trạng nhiễm khuẩn thêm nặng hơn: trẻ em, người già từ 60 tuổi trở lên, người đang trong giai đoạn dùng các phương pháp điều trị làm suy giảm chức năng miễn dịch như hóa xạ trị, người có hệ miễn dịch yếu như bị HIV/AIDS, tiểu đường, phụ nữ mang thai.
Người có nguy cơ cao nhất là trẻ sơ sinh, người trung niên, người bị tổn thương hệ miễn dịch và phụ nữ có thai. |
Triệu chứng và phòng ngừa
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường gặp như: tiêu chảy, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn, đau cơ, có các cơn ớn lạnh hoặc rùng mình, đôi khi có các biểu hiện như nhạy cảm với ánh sáng, hoặc viêm họng với sốt và sưng hạch, giống cúm. Những triệu chứng này có thể bắt đầu 2-8 tuần sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
Để giảm thiểu bệnh gây ra bởi Listeria monocytogenes và các bệnh lây truyền qua thực phẩm khác, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần nấu kỹ thực phẩm sống có nguồn gốc từ động vật, rửa sạch rau sống kỹ trước khi ăn. Để thịt tươi sống riêng biệt với rau và các thực phẩm ăn sẵn khác. Rửa tay, dao và thớt sau khi chế biến thực phẩm tươi sống. Không sử dụng sữa chưa được tiệt trùng hoặc các sản phẩm từ loại sữa này. Rửa tay sạch trước và sau khi nấu nướng. Thực phẩm ăn thừa cần được bảo quản tốt và ăn càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, không nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu, luôn giữ tủ lạnh bên trong sạch sẽ (do vi khuẩn có thể phát triển từ từ trong nhiệt độ tủ lạnh). Bác sỹ thú y, người chăn nuôi gia súc nên cẩn thận khi tiếp xúc với thai súc vật bị chết, những con vật bị ốm.