Cứ dịp gần Tết, nhà nào trong làng Trần Hợi (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng nô nức phơi những vỉ chuối khô vàng rực, thơm ngọt trước sân. Khách đến làng, cứ nhớ mãi hình ảnh và hương vị dân dã ấy.
Làng nghề “không tuổi”
Người dân ở xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) không ai biết nghề ép chuối khô xuất hiện từ khi nào. Họ chỉ biết đây là nghề truyền thống, cha truyền con nối qua bao đời nay. Ở xã Trần Hợi, nghề tập trung nhiều nhất ở các ấp 10A, 10B và 10C. Bắt đầu từ tháng Chín âm lịch, người dân nơi đây chuẩn bị khuôn, vỉ phơi chuối. Thời gian ép chuối kéo dài cho đến hết mùa nắng, nhưng tập trung nhất là tháng Mười, tháng Mười hai âm lịch.
Những ngày cận Tết, trên sông, ghe thuyền chở chuối tươi cung cấp cho làng nghề, ghe thu mua các mặt hàng thành phẩm nườm nượp nối đuôi nhau. Đường làng, trước nhà dân... trải đầy những vỉ chuối phơi dưới nắng vàng, hương thơm ngọt lan tỏa khắp vùng quê. Bầu không khí đón Tết càng thêm nhộn nhịp, rộn ràng.
Những cụ cao niên trong làng kể, ngày xưa, mỗi sáng, các cụ già “nhâm nhi” vài ly trà với miếng chuối khô rồi cùng nhau bàn về chuyện ruộng đồng. Đó được xem như một thú vui tao nhã, “chân quê”. Rồi thứ đồ của “nhà nghèo, nhà quê” ấy bỗng chốc trở thành đặc sản, có chỗ đứng trên thị trường, nổi tiếng gần xa vì “an toàn – ngon – bổ, rẻ và độc lạ”.
Là một trong những gia đình có thâm niên trong nghề làm chuối khô, anh Trần Duy Thanh (chủ cơ sở chuối khô ở ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: “Làng nghề chuối khô gắn bó với gia đình tôi ngót nghét cũng được 30 năm. Nếu tính luôn đời của ông bà nội cũng hơn 50 năm. Hiện mặt hàng chuối khô không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn xuất bán cho các lò bánh kẹo tại nhiều tỉnh khác trong khu vực”.
Có nhãn hiệu tập thể, sản phẩm chuối khô Trần Hợi nâng tầm giá trị. |
Theo anh Thanh, nguyên liệu chính để làm chuối khô phải là chuối xiêm thật già, ủ cho chín đều thì mới cho ra miếng chuối dẻo và dai. Chuối xiêm già sau khi được thu mua thì đem đi ủ khoảng 2 ngày cho chuối gần chín. Tiếp theo, chuối được lột sạch, mang ra phơi một nắng cho khô lại rồi mới cho vào khuôn ép mỏng ra. Sau đó, chuối lại được đem ra phơi khoảng 2 ngày thì sẽ cho ra sản phẩm.
Cũng theo anh Thanh, trung bình mỗi tháng, gia đình anh có thể cung cấp khoảng 7-10 tấn chuối khô với mức giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, còn đóng gói thì khoảng từ 28.000-35.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí và trả cho nhân công, gia đình anh lãi khoảng 15- 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, nghề ép chuối khô ở Trần Hợi cũng đã tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình. Riêng cơ sở của anh Thanh đã tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 120 ngàn - 150 ngàn đồng/người/ngày.
Anh Thanh tâm sự: “Nghề làm chuối khô phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Làm nghề này lúc nắng thì còn đỡ, chứ gặp mưa thì phải chạy để tránh chuối bị ướt. Gặp mưa dầm thì phải đổ bỏ chứ chuối bị đen cũng không ai mua. Làm nghề lâu mới biết, có vất vả, cơ cực thì mới thấy nghề mình giá trị”.
Nâng tầm thương hiệu
Là hộ được chọn đầu tư lò sấy, bà Hồ Kim Hạnh (chủ cơ sở chuối khô ở ấp 10 C, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) tâm sự: “Gắn bó với nghề ép chuối khô suốt hơn 30 năm qua, thăng, trầm, tôi đều trải qua. Hiện tại, cơ sở tôi có 4 loại sản phẩm như chuối mít, chuối hồng, chuối sấy trái và chuối ép tròn”.
Theo bà Hạnh, thời gian trước, nghề ép chuối khô được làm hoàn toàn bằng thủ công nên rất vất vả và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Từ khi sử dụng lò sấy, người làm nghề không phải chịu cảnh “chạy đôn chạy đáo” vì mưa và miếng chuối cũng khô đều hơn so với phơi nắng. Hơn nữa, người làm có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để chuối có màu sắc vàng đều, bắt mắt, bảo quản được trong thời gian dài. Cũng theo bà Hạnh, để cung cấp gần 20 tấn chuối khô mỗi tháng, cơ sở chuối khô của bà phải thuê từ 15-20 nhân công. Không chỉ phát triển nhờ chiếc máy sấy chuối mà sản phẩm của cơ sở bà Hạnh còn được bảo quản tốt khi được hút chân không, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Hạnh bộc bạch: “Cận Tết thì mỗi ngày cơ sở phải có từ 2-3 tấn hàng mới đủ giao cho thương lái. Nhờ có máy sấy chuối mà sản phẩm nay chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn nên chúng tôi làm nghề cũng rất an tâm. Gắn bó với nghề lâu năm, tôi hy vọng sản phẩm chuối khô còn vươn xa hơn nữa”.
Để đảm bảo cho nghề ép chuối khô truyền thống xã Trần Hợi có điều kiện tiếp tục mở rộng sản xuất và bảo vệ lợi ích của những người làm nghề, hội Nông dân huyện Trần Văn Thời và sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã xây dựng đề án đề nghị ngành chuyên môn cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm này.
Theo đó, ngày 10/7/2018, cục Sở hữu trí tuệ, bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối khô Trần Hợi, do hội Nông dân huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu. Ngày 22/10, hội Nông dân huyện Trần Văn Thời kết hợp với trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã công bố nhãn hiệu tập thể “Chuối khô Trần Hợi”.
Anh Phạm Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch hội Nông dân xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Khu vực ép chuối khô tập trung nhiều nhất là ở các ấp 10A, 10B, 10C với khoảng 50 hộ hành nghề. Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương và giải quyết được lượng lớn lao động. Mỗi nhân công làm cho các cơ sở ép chuối khô có thu nhập từ 4-6 triệu/người/tháng. Nhờ chất lượng, thương hiệu và tạo được uy tín trên thị trường mà giá chuối khô sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể cao hơn trước nhiều”.
Việt Tâm
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết