+Aa-
    Zalo

    “Rờn rợn” với món đặc sản sùng tre của người Pa Cô

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Món ăn độc đáo ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) khiến nhiều người hiếu kỳ có cái tên lạ lẫm là ơm pờ reng: Con sùng tre.

    Người Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vẫn quen chiêu đãi thực khách tứ phương bằng món ăn độc đáo có một không hai. Món ăn khiến nhiều người hiếu kỳ có cái tên lạ lẫm là ơm pờ reng: Con sùng tre.

    Huyền thoại ơm pờ reng

    Người Pa Cô kể lại rằng, ngày xưa, có đôi nam nữ người Pa Cô yêu nhau, nhưng họ bị gia đình ngăn cấm vì sợ cận huyết thống. Đôi nam nữ đành bỏ bản làng và trốn vào rừng sâu nguyện thề trọn kiếp bên nhau. Rừng thiêng nước độc, đôi trai gái chỉ biết lấy cây lồ ô làm bạn, cây cỏ làm thức ăn qua ngày. Một hôm, khi đôi trai gái đang ngồi bên lũy tre lồ ô ven suối, một cụ già đi ngang qua, thương tình, cụ đã chỉ cách bắt con sùng tre, sống trong thân cây tre lồ ô rồi nướng lên để ăn. Từ đó, con cháu người Pa Cô mới biết đến món ăn này và gọi tên theo tiếng Pa Cô là ơm pờ reng.

    Con sùng tre hình thành bên trong những ống tre. 

    Theo kinh nghiệm của người dân thì những cánh rừng tre ven suối A Nô là “thánh địa” của loài sùng tre. Đó là những rừng tre bát ngát nơi xã Nhâm, Hồng Bắc, A Roàng... của huyện miền núi A Lưới. Và mỗi thợ săn đều tự chia lấy “lãnh địa” riêng cho mình bằng cách để lại dấu tích không lẫn được vào thân tre nơi mình đã “chạm dấu rựa”.

    Loài sùng trước khi hóa thân thành loài bướm, chỉ sống trong thân cây tre lồ ô non, chúng như loài sâu ký sinh, hút chất dinh dưỡng từ cây tre mà sống. Gọi con sùng này là sùng tre vì nó sống trong thân cây tre lồ ô trước khi hóa kiếp thành bướm. Sùng tre chỉ có vào mùa đông, từ tháng 10 Âm lịch đến ra Giêng. Người Pa Cô rất thích món ăn này, chỉ có khách quý hay con rể họ mới đãi. Sùng thường ở những thân cây lồ ô non, đó là những cây măng già đang chuyển thành tre, hoặc vừa mới chuyển thành tre. Bởi lúc này, lồ ô mềm, nhiều chất dinh dưỡng, là nơi cư trú lý tưởng của sùng. Điểm dễ nhận biết là những cây lồ ô có sùng ở thường có những nốt chấm bên ngoài. Cây nào bị sùng sống nhiều quá thường bị còi, ốm yếu và hơi khô.

    Anh Lê Văn Khởi, một thợ săn sùng tre ở đây bật mí: “Thường cây măng lồ ô lớn lên, chiều cao ngang quá đầu người, bỗng dưng chúng không phát triển nữa, các đốt tre ngắn lại. Nếu quan sát kỹ trên thân măng, sẽ thấy một lỗ dẹt dài hơn hạt gạo, bên ngoài bóng láng chính là nơi sùng ở”.

    Mỗi đốt tre khi chặt ra thường chứa vài con, có khi đến nửa bát nhỏ, dù nhiều hay ít thì người thợ săn phải lấy hết để cây tre tái sinh. Loay hoay trong cụm măng lồ ô, anh Khởi quan sát kỹ từng đốt tre, tìm dấu tích. Chiếc rựa trên tay anh vung chặt liên hồi, từng ống măng lồ ô bị chém phân nửa, toác ra như từng thớ thịt, để lộ cả ổ loài sùng tre đang giẫy giụa chờ hóa kiếp! Phát hiện sùng, phải dùng que nhỏ đưa vào, loài sùng thấy động sẽ bám lên thân que, giúp người thợ săn dễ dàng mang chúng ra khỏi ổ.

    Tuyệt chiêu săn sùng Tuy mỗi người có cách nhận biết, cách bắt loài sùng khác nhau nhưng với thợ săn người Pa Cô, ăn của rừng “truyền đời” họ vẫn biết bảo vệ cho rừng. Sùng được lấy hết sau mỗi cây tre bị chém phân nửa thân, theo các thợ săn, nếu lấy hết sùng thì cây tre sẽ có cơ hội sống lại, lần sau mình có cái mà chặt. Âu đó cũng là triết lý sống nguyên bản, sơ khai của đồng bào Pa Cô. Nghề săn ơm pờ reng đã có từ xưa, cũng là nghề nguy hiểm khi phải liên tục cần mẫn chui lủi trong những cụm tre già, nơi có nhiều loài rắn, rít độc sinh sống. Thực tế thợ bắt sùng, bị rắn rết cắn, gai độc đâm không phải hiếm.

    Vào mùa đông, mỗi lần lên rẫy, người dân ở đây lại khoái đi tìm sùng tre về nướng ăn. Nhiều người kéo nhau lên rừng lồ ô kiếm sùng về chợ bán. Không chỉ người Pa Cô yêu thích món này mà nó còn trở thành đặc sản vùng cao A Lưới, được khách thập phương đặc biệt ưa thích. Từ sùng tre, người Pa Cô có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trở thành đặc sản nơi rẻo cao này.

    Con sùng tre có nhiều cách chế biến nhưng ưa chuộng vẫn là sùng nướng.

    Trong các món được chế biến từ sùng tre, sùng nướng là món được đồng bào Pa Cô ưa thích nhất. Khi chế biến món này không thiếu một loại gia vị quan trọng, đó là tiêu rừng thêm một số gia vị khác cũng là đặc sản của người dân nơi đây, đó là củ lá kiệu, ớt nướng, muối rang đem giã mịn. Sùng tre trước khi chế biến được trụng qua nước suối đun sôi. Tất cả những gia vị này sẽ được trộn vào với sùng ngay trong ống tre rồi nướng trên bếp lửa. Người Pa Cô chỉ cần ngửi mùi thơm từ nắp nùi là biết sùng đã chín hay còn sống mà không cần canh thời gian. Món này có vị cay nồng của tiêu rừng và ớt chính là món gốc của đồng bào Pa Cô ở đây.

    Anh Phùng Văn Nha (xã Kim Hồng) cho hay: “Người đồng bào thích món nướng lắm. Ngày xưa, mỗi lần lên rẫy mùa này, người dân ở đây thường đem đi một nắm gạo. Đến bữa trưa, chỉ cần bỏ gạo vào nồi hoặc ống tre nấu lên. Còn thức ăn là sùng tre hay cá nướng. Thức ăn rừng vừa ngon, vừa bổ. Ngày lễ tết, vui chơi, tụ họp bạn bè, trai gái thường ngồi với nhau bên bếp lửa, uống rượu cần và cùng nướng ơm pờ reng”.

    Theo chị Hồ Thị Nga (ở xã Hồng Kim), nếu ăn không hết chỉ cần cho sùng vào ống tre, lấy lá rừng làm nùi đậy, cho vào đó một vài lát măng rồi đem ngâm dưới suối. Ngày mai, ngày mốt hay cả tuần sau vẫn tươi ngon.

    Được thưởng thức món ơm pờ reng giữa ngút ngàn đồi nương, chợt thấy sự hào phóng của núi rừng pha lẫn những nhọc nhằn của nghề “hóa kiếp” sùng tre. Một đĩa sùng tre khi “thoát thai” khỏi dấu tích của rừng rú, vào tận nhà hàng cũng có giá từ 150-200 nghìn đồng.

    “Nhiều người ban đầu nhìn thấy sợ không dám ăn nhưng ăn được thì nghiền luôn. Làm rẫy cả buổi, nhóm lửa lên rồi xuống suối lấy sùng tre lên nướng ăn là sướng nhất, khỏe nhất. Người Pa Cô chúng tôi ai cũng khoái và tự hào về món ăn này khi giới thiệu với khách. Mỗi khi có khách quý, mình mới đi kiếm món này về đãi”, chị Nga chia sẻ.

    Sùng vừa chín, chị Nga đổ sùng ra trên ngọn lá chuối rừng. Mùi tiêu rừng quyện cùng mùi thịt nướng ống hấp dẫn lạ lùng. Cắn một miếng cảm nhận được vị bùi bùi, bở bở, béo béo, thơm thơm thật khó cưỡng. Giữa thanh âm của tiếng suối rừng, bên chén rượu nếp thơm hương vị của đất, của nước người vùng cao, được “nhậu rừng” cùng món ăn đặc sản, chợt hiểu người Pa Cô xưa nay vẫn sống lạc quan, hiên ngang giữa núi rừng khắc nghiệt. Nhậu rừng cũng là cách sống, cách dung hòa với thiên nhiên của họ.

    T.B
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ron-ron-voi-mon-dac-san-sung-tre-cua-nguoi-pa-co-a257288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan