Mới đây, ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu tiếp tục thực hiện giải pháp giảm mặt bằng lãi suất với mức giảm phấn đấu tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo khảo sát của báo VTC News, hiện lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất đang thuộc về Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) với mức 4,99%/năm. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng. Từ tháng thứ 4 trở đi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường, rơi vào khoảng 13,75%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng áp dụng mức lãi dưới 10%/năm như TPBank 8%/năm, HDBank 8,2%/năm, VIB 8,5%/năm, Eximbank 8,5%/năm, SeABank 9,29%/năm, UOB9,49%/năm, Sacombank 9,5%/năm…
Tuy nhiên, mức lãi suất dưới 10% chỉ áp dụng trong 3 - 6 tháng, cao nhất là 1 năm. Hết thời gian ưu đãi, hầu hết ngân hàng đều tính theo lãi suất thả nổi, phổ biến ở mức 12 - 13,5%/năm.
Trong nhóm Big 4, BIDV có lãi suất ưu đãi thấp nhất với 7,8%/năm và Vietcombank có ưu đãi cao nhất với 9,5%/năm. Vietinbank và Agribank có lãi suất ưu đãi lần lượt là 8,2% và 8%/năm.
Mặc dù lãi suất giảm nhưng nhiều người vẫn cho rằng con số hiện tại còn quá cao. Theo báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn, khoảng 44% người được khảo sát cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà dưới 8% là hợp lý để họ có thể xoay xở tài chính.
Trong khi đó, 33% số người được hỏi chấp nhận đi vay nếu lãi suất vay dao động 8 - 10%. Chỉ có 14% số người còn lại đồng ý vay tiền với mức lãi suất từ 10 - 13%.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mức lãi suất cho vay nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập người dân là dưới 7%/năm. Đối với người mua nhà xã hội, con số này phải thấp hơn 4,5%/năm.
Tuy nhiên, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội lại đang có mức lãi suất rất cao, lên tới 8,2%/năm. Thậm chí, thời hạn ưu đãi mà người vay được hưởng cũng tương đối ngắn, chỉ kéo dài trong vỏn vẹn 5 năm.
Chính vì các điểm hạn chế trên, hiện nhiều người đang tìm đến gói vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có những gói tín dụng riêng, chẳng hạn, Quỹ phát triển nhà ở tại TP.HCM với mức lãi suất chỉ 4,7%/năm, thông tin trên báo Đầu tư.
Báo Dân trí dẫn lời ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) nhận định về thị trường bất động sản hiện nay, thực tế nhiều ngân hàng cũng đã giảm lãi suất cho cả khoản vay mới và cũ nhưng chưa quá sâu mà sẽ theo lộ trình.
Theo ông, những nhà đầu tư bất động sản có khoản vay cũ đã "hết lực", không còn nguồn thu nhập khác để duy trì. Do đó, dù lãi suất giảm những nhà đầu tư này cũng vẫn rất khó xoay xở.
Theo ông Toản, giai đoạn trước, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính không hề nhỏ, từ vài tỷ tới hàng chục tỷ đồng. Mỗi tháng, họ cần vài trăm triệu đồng để trả nợ ngân hàng, nhưng nguồn tiền dự trữ trước đó đã hết. Do vậy, dù lãi suất giảm, tình trạng nhà đầu tư bán tháo vẫn sẽ tiếp tục xảy ra vì nhà đầu đã "đuối sức".
"Các khoản vay cũ tới nay hầu hết đã hết ưu đãi lãi suất nên vẫn dao động ở mức 13%/năm, rất cao. Do đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục bán bất động sản để xử lý các khoản nợ", ông Toản nêu.
Việc giảm lãi suất khoản vay mới chỉ tác động một phần tới giao dịch trên thị trường. Hầu hết giao dịch sẽ đến từ các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Tuy nhiên, số lượng giao dịch này sẽ không đáng kể vì tâm lý mọi người đều vẫn trong trạng thái nghe ngóng.
Vân Anh(T/h)